Kinh tế

Giá cả thị trường

Nỗi lo thủy điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phải khẳng định rằng, thủy điện đã góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của tỉnh, của quốc gia. Nhưng cũng không thể quên những xung đột lợi ích của thủy điện với người dân phía hạ nguồn. Đừng để người dân phải phập phồng nỗi lo về thủy điện. Đừng để kéo dài cảnh những rẫy cà phê chín đỏ rụng đầy gốc, những đống mủ cao su cạo xong để hư thối…chỉ vì kiểu tích nước trái phép của thủy điện như ở Đăk Rơ Nga.

Hiện nay đang là thời điểm thu hoạch nông sản của người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trái với tâm trạng phấn khởi trước vụ mùa bội thu sau nhiều tháng ngày vất vả nắng mưa của người dân ở nhiều nơi khác, thì hàng chục hộ dân ở xã Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô) lại ngậm ngùi, buồn phiền ngồi nhìn cà phê chín rụng, cao su thu xong không thể vận chuyển.

Với bà con nơi đây, nguồn thu của gia đình chỉ trông đợi vào mùa thu hoạch nông sản này. Tiền bán các loại nông sản sẽ trang trải hàng loạt các chi phí trong gia đình, từ gạo cơm mắm muối, mua sắm các vật dụng, lo cho con ăn học, đến tiền thuê nhân công thu hái, trả nợ tiền giống, phân bón…


 

Cà phê của người dân chín đỏ để rụng vì không thuê được người hái. Ảnh: PN
Cà phê của người dân chín đỏ để rụng vì không thuê được người hái. Ảnh: PN


Nhưng năm nay, nhìn toàn bộ diện tích 2 ha cà phê của gia đình chín đỏ rụng đầy dưới gốc mà ông Tạ Hữu Khiên không khỏi xót xa. Con đường vào khu sản xuất đã bị ngập nên gia đình ông không thuê được người hái. Mà nếu gia đình ông có huy động, thuê được người hái thì cũng không bán được, thương lái không vào được rẫy để mua, gia đình cũng không thể vận chuyển cà phê ra trung tâm xã. Bao tháng ngày chăm bón, đầu tư, hơn 2 ha cà phê của gia đình ông xem như mất trắng, ước thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.

Đâu chỉ chuyện của gia đình ông Khiên, còn nhiều ánh mắt thẫn thờ, những gương mặt của hàng chục hộ dân khác trong xã chìm đắm trong nỗi lo âu khi nhìn cà phê chín đỏ rụng đầy gốc, nhìn đống mủ cao su cạo xong để hư thối…

Thiệt đơn thiệt kép. Bao tiền của đổ vào đầu tư; bao công sức cuốc xới, chăm bẵm…bỗng mất trắng chỉ vì thủy điện Plei Kần tích nước làm ngập đường. Đã gần 2 tháng nay, mọi hoạt động thu hái, đưa nông sản ra ngoài của người dân nơi đây bị đình trệ hoàn toàn.

 

Người dân vất vả bơi qua dòng nước ngập sâu để vận chuyển hàng hóa. Ảnh: PN
Người dân vất vả bơi qua dòng nước ngập sâu để vận chuyển hàng hóa. Ảnh: PN


Điều đáng nói, trong khi chưa được phép của cơ quan chức năng nhưng đơn vị chủ đầu tư thủy điện Plei Kần là Công ty cổ phần Tấn Phát vẫn tích nước. Vấn đề này đã được báo chí phản ánh cách đây gần 2 tháng. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, thậm chí, Cục Điện lực và Năng lượng-Bộ Công thương cũng đã kiểm tra, yêu cầu dừng ngay việc tích nước trái phép…

Mặc cho các cơ quan chức năng nhiều lần ký văn bản nhắc nhở, mặc cho bà con nông dân nơi đây đứng ngồi không yên, chủ đầu tư vẫn ngang nhiên không chấp hành. Sự việc kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Toàn tỉnh hiện còn 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 851,3 MW và 1 dự án thủy điện lớn Thượng Kon Tum. Thời gian qua, lường trước những hậu quả của thủy điện gây ra đối với cuộc sống cũng như sự an toàn của người dân, các ngành chức năng đã tham mưu tỉnh loại bỏ và đưa ra khỏi quy hoạch hơn 40 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Điều này cho thấy sự cương quyết của tỉnh ta trong công tác quản lý, quy hoạch các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, từ câu chuyện thủy điện Plei Kần không ít người cho rằng, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Theo dõi chặt chẽ quá trình thi công các dự án thủy điện, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm, xử lý từ xa, từ sớm, tránh để ảnh hưởng đến đời sống người dân. Cùng với đó, thường xuyên tiến hành kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất đánh giá toàn bộ quá trình thi công đối với các dự án thủy điện đang triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư và đơn vị thi công có giải pháp xử lý ngay, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình thủy điện. Rà soát quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, kịp thời yêu cầu các chủ đầu tư điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đối với hạ du. Đặc biệt, ngành chức năng cần xác minh, làm rõ, ghi nhận đầy đủ những bức xúc của người dân và giải quyết thấu tình, đạt lý giảm bớt nỗi lo từ hậu quả thủy điện gây ra.

Cũng phải khẳng định rằng, thủy điện đã góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của tỉnh, của quốc gia. Nhưng cũng không thể quên những xung đột lợi ích của thủy điện với người dân phía hạ nguồn. Điệp khúc mùa khô tích nước, mùa mưa xả lũ cứ lặp đi lặp lại. Không thể cứ tồn tại mãi chuyện nhà đầu tư khăng khăng bảo vệ nguồn lợi của mình còn người dân thì phải gánh chịu thiệt hại. Tính mạng, tài sản của dân phải được đặt lên hàng đầu. Đừng để người dân phải phập phồng nỗi lo về thủy điện. Đừng để kéo dài cảnh những rẫy cà phê chín đỏ rụng đầy gốc, những đống mủ cao su cạo xong để hư thối…chỉ vì kiểu tích nước trái phép của thủy điện như ở Đăk Rơ Nga.

Theo Phúc Nguyên (baokontum)

Có thể bạn quan tâm