(GLO)- Trẻ bị xâm hại tình dục luôn là nỗi lo lớn của gia đình và xã hội. Vì vậy, việc quan tâm thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ bị lạm dụng tình dục, cần được các cơ quan, ban ngành đặc biệt chú trọng.
Gia tăng các vụ xâm hại
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 102 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 88 vụ trẻ em gái bị xâm hại tình dục. Đáng chú ý, có 32 vụ xảy ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng xâm hại chủ yếu là người thân như: bố đẻ, bố dượng, anh em họ hàng... Đặc biệt, trẻ em gái bị xâm hại tình dục trong độ tuổi dưới 6 tuổi và đến 13 tuổi ngày càng nhiều. Một số địa phương đang trở thành điểm nóng về vấn đề này như: TP. Pleiku, các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông... Riêng 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 8 vụ xâm hại tình dục, tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2017. Song con số này trên thực tế có thể còn cao hơn, bởi chưa được báo cáo, thống kê đầy đủ.
Tranh minh họa. |
Theo bà Rcom Sa Duyên-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, chưa bao giờ nạn xâm hại tình dục trẻ em gái lại đánh động dư luận nhiều như hiện nay, khiến xã hội bất an. Đặc biệt, “yêu râu xanh” có khi ở ngay trong chính gia đình trẻ bị xâm hại. Nguyên nhân là khi xã hội phát triển mạnh mẽ cũng kéo theo nhiều hệ lụy, không ít thông tin dễ dàng kích động đến phần “con” khiến cho một người bình thường vốn hiền lành nhưng chỉ cần thiếu kiềm chế là đã có thể gây ra những hành vi suy đồi đạo đức. Bên cạnh đó, một bộ phận trẻ em chưa được gia đình, nhà trường trang bị kiến thức về giới tính và kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn... cũng là những nguyên nhân phải kể đến.
“Bởi thế, tình trạng trẻ em gái bị xâm hại tình dục có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, bất cứ nơi đâu. Hậu quả là không chỉ gây ra những tổn thương về thể chất mà còn là những ám ảnh tinh thần. Nỗi đau ấy có khi trẻ phải mang theo đến hết cuộc đời”-bà Duyên chia sẻ.
Nâng cao nhận thức để phòng ngừa
Thời gian qua, nhiều cơ quan, địa phương trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả mô hình dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có Văn phòng Tư vấn Trẻ em ở 2 huyện Mang Yang, Chư Sê và Phòng Dịch vụ Công tác xã hội (Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh), qua đó góp phần không nhỏ trong việc phòng ngừa tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục. Bà Nguyễn Thị Thanh-cán bộ Phòng Dịch vụ Công tác xã hội-cho biết: “Phòng đang hỗ trợ trực tiếp 4 trẻ em gái bị xâm hại tình dục. Sau một thời gian hỗ trợ về tài chính, sức khỏe và động viên tinh thần, các em đã vượt qua khủng hoảng ban đầu và đang trở lại hòa nhập với cộng đồng”.
Mới đây, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với Phòng Dịch vụ Công tác xã hội và tổ chức phi Chính phủ Hagar (Thụy Sỹ) hỗ trợ cho gia đình chị Ksor M. (làng Kom Ngó, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) 35 triệu đồng để mẹ con chị ổn định cuộc sống. Hơn 1 năm qua, chị luôn sống trong đau đớn khi phát hiện chồng mình chính là đối tượng xâm hại con gái ruột chưa tròn 8 tuổi. Bản án 20 năm tù dành cho người cha suy đồi đạo đức là bài học đích đáng, nhưng nỗi đau này sẽ còn theo mẹ con chị rất lâu. “Mình vừa được chính quyền địa phương quan tâm tặng cặp bò sinh sản, khoan giếng nước, xây dựng công trình phụ, sửa chữa lại nhà ở. Có điều kiện kinh tế, mình sẽ gần gũi các con nhiều hơn để quan tâm, chăm sóc, tránh để con bị xâm hại. Mình luôn động viên con tiếp tục đến trường học cái chữ để sau này cuộc sống đỡ khổ”-chị M. tâm sự.
Tuy nhiên, để ngăn chặn tận gốc vấn nạn này, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, điều quan trọng nhất là cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các bậc cha mẹ cùng các thành viên trong gia đình. “Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em là quan trọng nhất. Sau đó, gia đình, nhà trường cần hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các em để phòng tránh bị xâm hại. Bởi hầu hết các em bị xâm hại đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti nên không dám chia sẻ và tố giác kẻ phạm tội. Hiện rất ít cha mẹ chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ và đôi khi vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội. Vì vậy, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em gái bị xâm hại và hướng dẫn con em cách tự bảo vệ mình; mạnh dạn tố giác để đưa “yêu râu xanh” ra trước pháp luật. Trên hết, cần có hình thức xử phạt thật nặng đối với những đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em để răn đe, tránh những hậu quả đáng tiếc khác có thể xảy ra”-bà Rcom Sa Duyên nhấn mạnh.
Hà Tây