Xã hội

Nỗi niềm người trồng dưa hấu mỗi dịp Tết đến, Xuân về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vì mưu sinh, nhiều nông dân ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên Gia Lai thuê đất trồng dưa hấu. Những ngày cận Tết cổ truyền, trong căn lều tạm, họ không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về gia đình. Ước vọng lớn nhất của nông dân trồng dưa lúc này là một vụ dưa hấu bội thu.

Đón Tết trong căn lều tạm

Những ngày cuối năm, khi dòng người ngược xuôi về quê đón Tết thì những nông dân trồng dưa hấu tại khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai vẫn đang cần mẫn trên cánh đồng dưa. Dưa hấu chuẩn bị được thu hoạch, cần chăm sóc từng ngày nên họ phải chấp nhận đón Tết xa quê. Trong căn lều tạm cũng có chậu hoa nhỏ trang trí, cây bánh tét, khoanh giò đón Tết nhưng mọi người không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ về gia đình, vợ con.

Tại thị xã Ayun Pa, cánh đồng xã Ia Sao luôn là mảnh đất màu mỡ đối với người trồng dưa hấu. Thời điểm giáp Tết, diện tích dưa chưa thu hoạch còn khoảng 50% khiến không khí trên cánh đồng thêm hiu quạnh.

Ngồi trong căn lều dựng tạm bằng mấy tấm bạt, nhấp ngụm trà, mắt nhìn về xa xăm, ông Lê Thanh Trọng (huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) trải lòng về nghề trồng dưa hấu mà ông đã gắn bó hơn 10 năm nay. Mỗi năm ông làm từ 3-4 vụ dưa, trải dài từ thị xã Ayun Pa, xuống huyện Krông Pa rồi về Bình Định. Thắng có, bại có nhưng vì nghề trồng dưa đã quyện vào người nên không bỏ được.

Trong căn lều tạm cũng có chậu hoa nhỏ, bánh tét, khoanh giò đón Tết song ông Lê Thanh Trọng (huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) không khỏi chạnh lòng khi năm mới đang đến gần. Ảnh: Vũ Chi

Trong căn lều tạm cũng có chậu hoa nhỏ, bánh tét, khoanh giò đón Tết song ông Lê Thanh Trọng (huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) không khỏi chạnh lòng khi năm mới đang đến gần. Ảnh: Vũ Chi

Theo kinh nghiệm, tháng 11 hàng năm, ông lên Gia Lai thuê đất trồng dưa. Vụ này, ông thuê được 3 ha đất của một người đồng hương lên định cư tại thị xã Ayun Pa đã lâu. Dự kiến khoảng mùng 10 Tết ruộng dưa sẽ thu hoạch. Đang thời kỳ cao điểm chăm sóc nên cũng giống những năm trước, Tết Giáp Thìn năm nay ông lại đón Tết xa quê.

“Hơn 10 năm trong nghề, thời gian ở nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. 2 con còn nhỏ nên vợ phải ở nhà chăm sóc, mình tôi bươn chải kiếm sống. Ngày thường ai cũng như ai chứ Tết đến nhìn nhà nhà rực sáng ánh đèn, nghĩ đến vợ con ở quê cùng người thân đang quây quần bên bếp lửa nấu bánh tét, không buồn sao được. Cũng may, có mấy anh em đồng hương cùng lên đây thuê đất trồng dưa, tối đến tập trung uống nước trà, trò chuyện cũng nguôi ngoai. Sáng nay, anh em cũng sắm được khoanh giò, cây bánh tét, chậu hoa hướng dương, hoa cúc cho có không khí Tết”-ông Trọng ngậm ngùi.

Cách đó không xa là ruộng dưa hấu của anh Nguyễn Đức Nhận (ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định). Bên trong căn lều tạm chỉ có cái võng mắc ngang để ngả lưng, một cái bàn nhôm và vài chiếc ghế nhựa để anh em cùng làm dưa ngồi uống nước trà. 7 năm theo nghề trồng dưa, mặc dù đã quen với việc đón Tết xa nhà nhưng anh vẫn cảm nhận rõ sự trống vắng trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Vì mưu sinh, anh Nhận rời quê lên đây thuê 3 ha đất trồng dưa hấu từ tháng 11. Cũng 3-4 lần nhờ người quen coi ngó dùm để tranh thủ về thăm nhà nhưng nóng ruột nên chỉ 1-2 ngày lại khăn gói lên lại ruộng dưa. “Phận làm dưa, lều là nhà. Mưa hắt, gió lùa miết cũng quen, được cái trời cho sức khỏe nên chẳng mấy khi ốm đau, có chăng chỉ cảm xoàng vài ngày là hết. Cách đây 1 tháng, thương lái đã đặt cọc mua toàn bộ diện tích trồng dưa với giá 24 triệu đồng/sào và cam kết thu hoạch trước Tết nhưng sau đó dời lại vào mùng 3 Tết nên tôi cố gắng ở lại trông coi thêm ít ngày. Nếu bán được đúng giá cam kết, vụ dưa này tôi lời được 180 triệu đồng. Thu hoạch xong, tôi sẽ mua ít bánh kẹo về quê, đến lúc đó, gia đình, anh em tập trung lại hàn huyên, vậy là vui rồi”-anh Nhận chia sẻ.

Hy vọng vụ dưa bội thu

Theo ông Trọng, trừ một số diện tích xuống giống sớm cho năng suất cao còn lại do thời tiết không thuận, nắng nóng kéo dài nên diện tích dưa xuống giống sau bị chết dây nhiều, ảnh hưởng đến năng suất. 3 ha dưa của ông thương lái đã trả 180 triệu đồng/ha nhưng ông chưa bán vì tính ra mới hòa vốn. “Thời điểm trước Tết năm ngoái, giá dưa ở mức 2.500 đồng/kg, tôi lỗ mất 60 triệu đồng/ha. Năm nay, giá dưa cận Tết được 5.000-6.000 đồng/kg nhưng năng suất lại giảm nên người trồng dưa chưa có lời. Hy vọng với sức tiêu thụ dịp Tết, giá dưa hấu sang năm mới sẽ nhích lên để nông dân trồng dưa có lời chút đỉnh”-ông Trọng kỳ vọng.

Diện tích dưa của anh Nguyễn Đức Nhận (huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) trên cánh đồng xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa dự kiến sẽ thu hoạch vào ngày mùng 3 Tết. Ảnh: Vũ Chi

Diện tích dưa của anh Nguyễn Đức Nhận (huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) trên cánh đồng xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa dự kiến sẽ thu hoạch vào ngày mùng 3 Tết. Ảnh: Vũ Chi

Trong khi đó, do xuống giống muộn hơn các địa phương khác nên hơn 1.000 ha dưa hấu tại huyện Krông Pa hiện đang trong thời kỳ ghim dây, chọn quả. Đây là thời điểm vô cùng quan trọng, quyết định năng suất ruộng dưa bởi thông thường mỗi cây dưa hấu chỉ để lại 2/6 quả đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho quả dưa phát triển.

Chọn đón Tết trong căn lều nhỏ trên cánh đồng xã Ia Mlah, ông Nguyễn Văn Minh (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) chia sẻ: “Ngày Tết ai cũng muốn về nhà nhưng một phần khó tìm nhân công, một phần lấy công làm lãi nên chủ dưa phải ở lại cánh đồng vừa trông coi vừa túc tắc làm cho kịp thời vụ. Năm ngoái qua Tết, giá dưa tăng cao, người trồng dưa lãi lớn nên bước sang năm mới Giáp Thìn, người trồng dưa cũng chỉ mong thời tiết thuận lợi, dưa được mùa, được giá. Có lời thì ăn Tết lúc nào cũng được”-ông Minh cười xòa.

Vụ Đông Xuân 2023-2024, khu vực Đông Nam tỉnh có khoảng hơn 1.500 ha dưa hấu. Giá dưa hấu hiện tại từ 5.000-6.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với đầu vụ. Với mức đầu tư khoảng 180 triệu đồng/ha thì mức giá này người trồng dưa mới chỉ hòa vốn. Đa phần diện tích dưa hấu tại đây sẽ cho thu hoạch sau Tết. Vì vậy, ước vọng lớn nhất của người trồng dưa là một vụ dưa được mùa, được giá.

Có thể bạn quan tâm