Tết xa quê của người trồng dưa hấu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần, khi nhà nhà đang quây quần chuẩn bị đón năm mới Quý Mão thì những người trồng dưa hấu tại khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai lại lặng lẽ trong những căn lều dựng tạm. Cũng giò, chả, bánh tét nhưng cảm giác đón Tết nơi đất khách quê người khiến họ không khỏi chạnh lòng.

Trong cái se lạnh của những ngày giáp Tết, ngồi bên căn lều trống trên cánh đồng ở xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa), ông Lê Công Danh (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) hướng ánh mắt nhìn về xa xăm. Nơi ấy có gia đình, người thân, bạn bè, hàng xóm đang quây quần bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng, bánh tét đón chào năm mới. 20 năm theo nghề trồng dưa, mặc dù đã quen với việc đón Tết xa nhà nhưng ở cái tuổi lục tuần, ông cảm nhận rõ sự trống vắng trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Vì mưu sinh, ông rời quê lên đây thuê 3 ha đất trồng dưa từ giữa tháng 10. Cũng 2-3 lần nhờ người quen coi ngó dùm để tranh thủ về thăm nhà nhưng cũng chỉ được 1-2 ngày rồi lại khăn gói lên lại ruộng dưa.

Ông Lê Công Danh (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) kỳ vọng sau Tết giá dưa hấu sẽ nhích lên để người trồng dưa có lời chút đỉnh. Ảnh: Vũ Chi
Ông Lê Công Danh (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) kỳ vọng sau Tết giá dưa hấu sẽ nhích lên để người trồng dưa có lời chút đỉnh. Ảnh: Vũ Chi

Ông Danh bộc bạch, sum họp cùng gia đình đón năm mới thì ai cũng muốn nhưng còn khoảng một tuần nữa thì thu hoạch dưa nên bắt buộc ông phải ở lại trông coi. Thi thoảng có một vài thương lái xuống đặt cọc hỏi mua nhưng ông chưa muốn bán vì giá hiện tại 5.500 đồng/kg thì người trồng dưa chỉ hòa vốn do chi phí đầu tư quá cao. Mong mỏi lớn nhất của ông lúc này là sau Tết giá sẽ nhích lên để người trồng dưa có lời chút đỉnh. “Hôm qua, vợ con tôi có gọi điện báo mùng 2 cả nhà sẽ lên đây thăm nên cũng đỡ tủi. Mấy anh em làm dưa lân cận cũng góp tiền mua cây bánh tét, giò, chả, chai rượu để cùng nhau nhâm nhi đón giao thừa. Với chúng tôi, Tết thực sự đến khi vụ dưa được mùa, được giá”-ông Danh cười xòa.

Anh Nguyễn Văn Hải (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cũng đang thấp thỏm bên 2 ha dưa hấu trên cánh đồng xã Chư Drăng (huyện Krông Pa) chuẩn bị cắt bán. Năm ngoái xuống giống sớm, bán trước Tết nhưng giá bán chỉ 2.000 đồng/kg khiến ông lỗ 70 triệu đồng/ha, coi như mất Tết nên năm nay ông xuống giống muộn hơn. Gần 3 tháng nay, vợ chồng ông ăn ở trong căn lều tạm nơi góc ruộng. Mấy ngày trước, vợ ông bắt xe về quê lo dọn nhà cửa, nhang khói cho ông bà trong mấy ngày Tết, còn ông phải ở lại trông coi ruộng dưa.

“Tết được về quê, sum họp cùng gia đình, đi chúc Tết họ hàng, uống vài ly rượu với anh em, bạn bè thì còn gì bằng nhưng dưa đang lớn, phải bón phân, tưới nước thường xuyên nên đành ở lại. Đón Tết xa nhà riết thành quen. Chỉ mong xong vụ dưa có lời mang tiền về quê là vui rồi”-anh Hải chia sẻ.

Tết đến nhưng nhiều người trồng dưa hấu tại huyện Krông Pa vẫn tất bật trên cánh đồng đang thời kỳ ghim dây, chọn quả. Ảnh: Vũ Chi

Tết đến nhưng nhiều người trồng dưa hấu tại huyện Krông Pa vẫn tất bật trên cánh đồng đang thời kỳ ghim dây, chọn quả. Ảnh: Vũ Chi

Ruộng dưa của ông Nguyễn Văn Bình (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) cách ruộng dưa của anh Hải không xa. Ngồi trong căn lều nhấp ngụm trà cho ấm bụng, ông Bình chia sẻ với chúng tôi về cuộc đời “du mục” của vợ chồng mình.

15 năm trồng dưa, 8 năm gắn bó với mảnh đất Gia Lai, ông cùng vợ thấu hiểu cảm giác cô quạnh trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đi hết các huyện Chư Prông, Ia Pa, thị xã Ayun Pa, năm nay vợ chồng ông chọn mảnh đất Krông Pa với hy vọng dưa sẽ cho quả ngọt. 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn đành gửi ông bà nội trông coi giùm. Nhìn làng trên, xóm dưới, người người ngược xuôi đi sắm Tết, thương lũ nhỏ ở nhà lắm nhưng dưa đang thời kỳ ghim dây, chọn quả không về được. Tiền thuê nhân công cao mà những ngày cận Tết kiếm không ra nhân công nên vợ chồng phải túc tắc làm. Hôm trước có người quen về quê, vợ chồng ông cũng gửi ít tiền về để ông bà nội sắm Tết cho lũ nhỏ. Vợ chồng cũng nuôi được mấy con gà để dành Tết thịt cúng Giao thừa, cầu mong trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, dưa được mùa được giá.

Khu vực Đông Nam tỉnh có khoảng hơn 1.500 ha dưa hấu, tập trung chủ yếu ở huyện Krông Pa với hơn 1.000 ha, chủ yếu là người dân từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên thuê đất trồng. Những năm trước, dưa chủ yếu thu hoạch trước Tết Nguyên đán thì năm nay, người trồng dưa xuống giống muộn hơn khoảng nửa tháng nên sẽ thu hoạch sau Tết. Với chi phí đầu tư khoảng 180 triệu đồng/ha, giá bán dưa hấu hiện nay ở mức 5.000 đồng/kg thì người trồng dưa chỉ hòa vốn.

Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đang đến gần, vì mưu sinh, những người trồng dưa phải chấp nhận đón một cái Tết nơi đất khách quê người. Cũng giò, chả, bánh chưng, bánh tét nhưng họ không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về gia đình, quê hương, đặc biệt khi đường phố rực rỡ ánh đèn, tiếng pháo nổ giòn giã đón chào năm mới. Năm mới với nhiều kỳ vọng mới nhưng với người trồng dưa, ước vọng lớn nhất hiện tại là một vụ dưa thắng lợi, được mùa, được giá.

Có thể bạn quan tâm