Phóng sự - Ký sự

Nơi quần tụ điều tín nghĩa - kỳ 1: Lại mờ nhòe tiếp một địa chỉ đỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời điểm mùa xuân 1947, Cụ Hồ bí mật đi Thanh Hóa. Có sự đồn thổi là Cụ chuẩn bị cho di dời Chính phủ lâm thời non trẻ vào An toàn khu xứ Thanh. Chuyện ấy không có! Nhưng Cụ Hồ đã trù liệu cho một bộ phận của cơ quan Văn hóa kháng chiến cùng nhiều văn nghệ sĩ vào Quần Tín.

Cái tên Quần Tín (nơi quần tụ điều tín nghĩa) là do vua Lê Thái Tổ ban cho làng, nay thuộc xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Thuở nằm gai nếm mật gian khó của cuộc kháng chiến, quân của Bình Định Vương Lê Lợi bị giặc Minh truy đuổi đã phải dạt vào cái ngôi làng hẻo lánh ở vùng Triệu Sơn gần núi Nưa. Được dân làng che chở đùm bọc. Lại được thần thành hoàng làng linh ứng mách cho kế sách mật phục cự giặc.

Lớp nhà văn kháng chiến ở Quần Tín năm 1948. Tranh: T.L

Lớp nhà văn kháng chiến ở Quần Tín năm 1948. Tranh: T.L

Sau thời điểm Toàn quốc kháng chiến, vùng tự do Thanh Hóa trong đó có Quần Tín như được âm phò dương trợ trở thành nơi đắc địa - An toàn khu (ATK) của một cơ quan văn hóa.

Tôi lại ghé Quần Tín. Chẳng dám gọi là về vì thứ hậu sinh như mình không có may mắn can dự vào việc đêm nằm năm ở thuở cuối những năm 40 ấy…

Được trọn buổi bám theo chị Nguyễn Thị Thanh, đã 2 khóa là huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Cường có thôn Quần Tín. Giờ chị đương luân chuyển tiếp đảm chức Bí thư Đảng ủy một xã lớn bên cạnh Thọ Cường là xã Thọ Tiến của huyện Triệu Sơn.

Những lối đi cùng những ngôi nhà mà chị từng làu thuộc của Quần Tín như khơi lại một quá vãng ấm áp thương mến.

Bám theo chị mỏi chân nhưng tôi không tới hết được hàng chục gia đình Quần Tín có văn nghệ sĩ kháng chiến và gia đình họ ở. Lâu thì liên tục suốt 8 năm từ 1947 - 1954. Mau thì một vài năm. Nhà thì cái còn cái mất. Nhà cũ đã phá xây theo lối mới. Những nhà mà Hải Triều, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Bùi Huy Phồn, gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan,Trương Tửu, Trần Dần, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đình Lạp, Trần Hữu Thung, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi từng ở… Chị Thanh vanh vách, dân Quần Tín thuở ấy có 70 nóc nhà. Vậy mà có tới 35 hộ luôn có các văn nghệ sĩ tá túc.

Quần Tín, nơi quần tụ các nhà văn, nghệ sĩ tiêu biểu thời ấy đã bầu nên một sự kiện. Ngày 20/1/1949, Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời thì ngày 4/8/1949, Hội Văn nghệ Khu 4 được thành lập tại đình làng Quần Tín. Rồi chương trình đại học văn hóa khóa 1 và khóa 2 được mở tại Quần Tín do thầy Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng. Ngôi đình làng, khu đền cổ và trường đồng ấu Tổng Tam Lộng nhường địa điểm cho lớp học của thầy Đặng Thai Mai, với các thầy giáo Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Hải Triều,... Đồng chí Trường Chinh lặn lội vào Quần Tín lên lớp thuyết trình về quan điểm văn nghệ của Đảng. Và có buổi, ông tướng yêu văn nghệ văn võ song toàn Nguyễn Sơn cũng được mời lên lớp sang sảng suốt 12 tiếng đồng hồ liên tục về Truyện Kiều...

Ngạc nhiên, các yếu nhân như Nguyễn Mạnh Cầm, Phan Diễn… cũng đã có vài năm trú ngụ ở Quần Tín. Quần Tín cũng rộng lòng với khách xa. Chị Thanh dẫn tôi qua hoặc chỉ cho dấu tích của mấy ngôi nhà đã từng đón vợ chồng Hoàng thân Xu-pha-nu-vông về ở khá lâu. Lâu hơn là những vị hàng binh Âu Phi của quân đội Pháp theo Việt Minh mà Cụ Hồ khi ấy gọi là những người Việt Nam mới. Họ đã ở Quần Tín vài năm, cũng tham gia tự túc lương thực cày bừa cấy hái với dân làng Quần Tín.

Những sải chân hăm hở theo vị Bí thư Đảng ủy ấy đã khiến tôi tò mò lật giở thêm hồi ức của nhà văn Vũ Ngọc Phan. Gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan và nhiều văn nghệ sĩ khác theo lộ trình tản cư Phủ Lý Hà Nam theo sông Đáy nhập với sông Mã vào đất Thanh Hóa. Qua Nam Cai đập Bàn Thạch rồi đến được địa danh Quần Tín của đất Thọ Xuân là cả một tất tả nhiêu khê.

Đoàn văn hóa kháng chiến Liên khu IV chọn Quần Tín là nơi ở của các gia đình văn nghệ sĩ.

*

* *

“Chúng tôi có đến 20 gia đình.

Quần Tín là nơi tụ hợp hầu hết anh chị em văn nghệ sĩ kháng chiến tản cư vô Thanh. Làng có nước giếng xây nơi giếng nứt nước rất trong anh em VNS thường ra đây tắm giặt. Đầu làng có khu rừng cây cối um tùm. Nhưng loài chim như vẹt, cu xanh ngỗng trời bay về.

Đoàn văn hóa mở được 3 lớp Bổ túc văn hóa cho cán bộ tuyên truyền trẻ ở các tỉnh về…” (trích hồi ký Vũ Ngọc Phan).

Lớp nhà văn kháng chiến ở Quần Tín năm 1948. Tranh: T.L

Lớp nhà văn kháng chiến ở Quần Tín năm 1948. Tranh: T.L

Nữ sĩ Hằng Phương - người vợ của cụ Vũ Ngọc Phan có đóng một cuốn vở đề ngoài bìa, Vở kỷ niệm về Trường văn hóa Quần Tín.

Các cây viết Bùi Hiển, Trần Hữu Thung, Xuân Hoàng và mấy bạn trẻ có ghi thơ của mình trong vở. Lưu Trọng Lư rẽ vào Quần Tín, Nguyễn Đình Thi ở Việt Bắc về đều có ghi thơ trong vở. Nguyễn Đình Thi ghi hai bài Đường núi và Đêm mít tinh. Dưới có mấy dòng “Chép tặng anh chị Phan, nhớ những quả cam hôm ốm ở Quần Tín”.

Đến thăm Trường Văn hóa, Nguyễn Đình Thi ngồi trên bàn học trò hát bài Người Hà Nội của anh với chất giọng hùng mạnh rung chuyển cả bàn ghế đầy sức hấp dẫn làm nhiều học sinh say mê nhất là nữ sinh.

Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thị Thanh (phải) bên Giếng cổ.

Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thị Thanh (phải) bên Giếng cổ.

Nguyễn Đình Thi có cái áo nâu rách tay. Anh nhờ Hằng Phương vá hộ, sau lại ngại không đưa.

Hằng Phương sai cô con gái nhỏ đưa mấy câu thơ cho Thi:

Thi ơi quần áo rách đâu?

Để tôi vá víu để mau lên đường

Rách lành đùm bọc

văn chương

Chỉ kim kháng chiến chí nhường súng gươm

Ra về y phục tinh tươm

Nhớ chăng Quần Tín một phương xa vời?

Quần Tín năm 1948 - Hằng Phương.

Trần Hữu Thung có chép bài Cò trắng phát thanh trong vở kỷ niệm.

Bây giờ tặng nhau tác phẩm của mình là thường. Nhưng ngày gian khổ kháng chiến ấy tặng nhau mấy câu thơ sao mà quý?

“Mấy năm đầu ở Quần Tín, Chính phủ cấp cho gia đình cán bộ văn nghệ một khoản sinh hoạt phí đủ chi dùng trong vài tháng. Từ năm 1950, các gia đình đều phải tự túc. Mỗi nhà được cấp một con trâu hay bò, phải thuê ruộng làng tự cày cấy để có lương thực.

Bắt đầu những ngày khó khăn lại khó khăn hơn. Một số anh chị em bùng xuống Cầu Bố, Rừng Thông buôn bán. Một số khác dinh-tê (rentrer: trở lại quay lại, tức vào thành Hà Nội).

Chúng tôi nhờ nông hội cho một số ruộng khoảng gần một mẫu và nhờ chỉ bảo cho việc cày bừa. Buổi đầu cho mượn nông cụ cày, bừa. Ruộng thì của địa chủ phú nông. Họ cũng sớm nhận ra nhiều ruộng đất chả phải là hay ho gì nên muốn các hộ cán bộ mượn nhiều hơn. Nhưng chúng tôi ngại không dám nhận vì sợ làm không xuể!

Chúng tôi có mấy đứa con đã lớn. Hai đứa con gái lớn tập đi cấy chỉ ít hôm đã thạo. Hai thằng lớn gồng gánh vai rụt lại.

Chúng tôi được cấp một con bò. Do thiếu kinh nghiệm chúng tôi hăm hở chọn một con bò béo. Hóa ra là giống bò thịt không biết cày. Đợi mãi chưa đổi được con khác. Đành bán bò mua trâu. Nhưng lại vớ phải con dữ quá. Nhiều buổi cày nó hung hăng dứt đứt dây nhợ lồng lên bờ. Đành phải đem bán và nhờ kiếm con khác hiền hơn. (trích hồi ký Vũ Ngọc Phan).

Hai năm làm lụng tất tả, trong nhật ký bà Hằng Phương ghi “Về tiêu pha mấy năm nay thấy công việc làm ruộng đã đỡ được một phần chi tiêu trong gia đình” (Nhật ký 25-7-1953).

Còn ông Vũ Ngọc Phan thì kể “Tôi bị đau dạ dày rất nặng thắt hẹp môn vị vào thời kỳ cuối. Đau gần 20 năm đã 5 năm nay lại không có thuốc nên bệnh càng nặng. Tôi được cáng xuống Trường Y sĩ ở Cổ Định để nhờ BS Hoàng Đình Cầu, Hiệu trưởng Trường mổ cho.

Chuyện thì dài. May khi ấy bộ đội sư 308 đóng quân ở Quần Tín có thứ chiến lợi phẩm là máu khô và chỉ khâu ruột mèo (cat gut). Có lẽ nể nhà văn Vũ Ngọc Phan nên họ đã tặng máu khô và chỉ khâu nên GS Hoàng Đình Cầu mới dám mổ”.

Trong hồi ký của mình, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã tường thuật lại cuộc giải phẫu lạ lùng ấy.

“...Tôi nằm trên một cánh cửa đình kê gạch. Phòng mổ là gian đình trên căng mảnh vải dù không có cửa. BS Cầu không có găng tay. Anh phải cắt móng tay rửa xà phòng rồi lại rửa lại bằng cồn. Mổ chỉ có thuốc tê không có thuốc mê.

Đa phần là học sinh quần áo nâu xán vào xem vì rất hiếm ca mổ như này. BS Cầu cứ phải giơ hai tay đỏ lòm lên vì sợ họ chạm phải. Mọi hành động của BS tôi đều trông thấy. Tôi đau quá thở mạnh. BS Cầu phải dỗ “Anh chịu khó thở nhẹ một chút không có tôi khâu ruột với da bụng thì gay”.

Bọn trẻ leo trên tường kêu ầm lên “Ơ ruột và dạ dầy ông này xanh lè”. Tôi nghe thấy thế hoảng quá lịm đi không biết trời đất gì nữa.

May mắn ca mổ cũng kết thúc, tôi được tiếp máu bằng cách đổ chai máu khô vào hai cái bát hòa tan ra và hai người liên tục tiêm vào tĩnh mạch.

Tay nghề phẫu thuật của BS Cầu quả tài tình. Tôi đã qua được…”.

Cũng cần phải nói thêm nhà văn Vũ Ngọc Phan mổ cũng một ngày với một bác nông dân Quần Tín làm nghề đánh giậm.

Tối hôm trước ngày mổ, bác ta nghĩ rằng mổ thì chín phần chết một phần sống nên bác đi đánh chén một bữa thịt chó no say rồi lăn ra ngủ. Sáng hôm sau rửa dạ dày đến lần thứ hai mà bác ta còn sặc sụa mùi rượu và nôn ra toàn bánh cuốn. Lại phải rửa dạ dày lần thứ 3.

“Tay nghề phẫu thuật của BS Cầu quả tài tình. Tôi đã qua được…

Rồi đã 35 năm trôi qua không đau lại một lần nào. Rất sướng là được ăn dưa muối cà muối mà 20 năm trước tôi không dám ăn. Mổ xong được một năm tôi đi Việt Bắc mất 16 ngày đêm lại đèo trên vai cái ba lô 7 kí lô”.

Trong hồi ức sơ lược dạng gạch đầu dòng của mình, cũng trĩu nặng những dòng về người con trai Hồng Côn nhớn nhao đẹp đẽ của ông bà Vũ Ngọc Phan - Hằng Phương đột ngột mất vì bạo bệnh. Phần mộ đâu như vẫn lưu lại đất Quần Tín này?

Có thể bạn quan tâm