Kinh tế

Giá cả thị trường

Nóng cuộc đua giành thị phần bán lẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hợp tác để tăng độ phủ của thương hiệu trên thị trường khi kinh tế dần phục hồi, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao sau thời gian chịu ảnh hưởng dịch COVID-19.

Một cửa hàng đa tiện ích hoạt động tại Hà Nội. Ảnh: Linh Đan
Một cửa hàng đa tiện ích hoạt động tại Hà Nội. Ảnh: Linh Đan


Kỳ vọng “gà đẻ trứng vàng”

Thông tin Tập đoàn Masan mới đây vừa đưa vào hoạt động chuỗi cửa hàng đa tiện ích WIN tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã khiến nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Theo Masan, đây là chuỗi cửa hàng mới trong chiến lược phát triển hệ sinh thái WINlife. Mục đích của công ty là giúp người tiêu dùng trải nghiệm hệ sinh thái tiêu dùng, công nghệ cao cấp, tiện lợi hơn. Chuỗi mới này có nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính, dược phẩm Phúc Long, dịch vụ viễn thông (Reddi). Trong năm 2022, Masan cũng có kế hoạch khai trương từ 80 - 100 cửa hàng WIN trên cả nước.

Tập đoàn Masan cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu chuỗi siêu thị WinMart đạt hơn 4.700 tỉ đồng và chuỗi siêu thị mini WinMart+ đạt hơn 9.500 tỉ đồng. WinMart và WinMart+ liên tục thắng lớn khi ghi nhận lợi nhuận gộp giai đoạn này đạt 3.238 tỉ đồng, tăng 22% so với nửa đầu năm ngoái.

Hai chuỗi này đã đóng góp gần 40% vào tổng doanh thu và 32% vào tổng lãi gộp của Masan. Nguồn thu còn lại đến từ công ty kinh doanh hàng tiêu dùng, thịt, khai khoáng, trà và cà phê.

Với sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua, các doanh nghiệp ngành bán lẻ đang có động thái liên tục mở rộng, “bành trướng” thị phần tại nhiều khu dân cư, đô thị giàu tiềm năng phát triển.

Đầu tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Vingroup cũng đã khai trương trung tâm thương mại thứ 81 là Vincom Mega Mall Smart City (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Khác với các trung tâm thương mại trước đó, Vingroup cho rằng, đây là trung tâm thương mại thế hệ mới theo mô hình “life - design mall” đầu tiên tại Việt Nam, được kiến tạo theo mô hình tương lai, nơi các sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa theo nhu cầu của khách hàng.

Trong khi đó, Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam cũng vừa công bố quyết định đầu tư trung tâm thương mại tại Đồng Nai với tổng vốn lên đến 268 triệu USD. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2030, Aeon Mall Việt Nam sẽ đầu tư khoảng 30 trung tâm thương mại ở Việt Nam.

Aeon Việt Nam đang có ý định nhân rộng mô hình siêu thị vừa và nhỏ Aeon MaxValu với đầy đủ dịch vụ, tiện ích, gồm giao hàng tận nơi, mua sắm online… với mục tiêu có 20 siêu thị tại khu vực miền Bắc.

Cuộc đua cạnh tranh thị phần  

Theo ghi nhận của PV, bên cạnh cơ hội phát triển là sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt khi những năm qua thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã chứng kiến nhiều sự thay đổi về thị phần, thương hiệu thông qua các thương vụ chuyển nhượng, mua bán và sáp nhập.

Nếu thời điểm trước đó, hơn 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam đã thuộc về  tay các doanh nghiệp nước ngoài, thì đến nay,  doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang  chiếm khoảng 70 -  80% số điểm bán lẻ trên cả nước.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu trong thời gian vừa qua đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, với 100 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam nói chung và TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội nói riêng vẫn là một thị trường giàu tiềm năng cho các thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước.



https://laodong.vn/kinh-doanh/nong-cuoc-dua-gianh-thi-phan-ban-le-1092626.ldo

Theo THU GIANG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm