Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Chư Sê tích cực chuyển đổi cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) có 5.970 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có nhiều hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2013, hơn 1 ha hồ tiêu của gia đình ông Nguyễn Xuân Tảo (làng Greo Sek, xã Dun) đang cho thu hoạch bỗng nhiên bị héo lá, sau đó chết hàng loạt. Bối rối, lo lắng với những căn bệnh nguy hiểm trên cây hồ tiêu, đầu năm 2014, ông quyết định về quê (tỉnh Hưng Yên) tìm mua 300 cây nhãn giống Hương Chi trồng xen canh với các loại cây trồng khác trên diện tích hồ tiêu bị chết. Nhờ đầu tư chăm sóc kỹ lưỡng nên cây nhãn phát triển xanh tốt. Sau 3 năm, vườn nhãn đồng loạt ra hoa, kết trái trĩu cành. Ngay mùa quả bói, gia đình ông thu hơn 200 triệu đồng. Riêng năm 2021, gia đình thu gần 500 triệu đồng. Ông Tảo cho biết: “Loại nhãn này rất dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, cho năng suất cao. Năm rồi, cây nào cũng đậu nhiều quả. Mới bắt đầu mùa thu hoạch mà thương lái đã đến tận vườn đặt cọc”.
Hiện nay, ông Rah Lan Thạch (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê) sở hữu 3 ha cà phê và bơ, 5 sào lúa nước 2 vụ và gần 5 sào rẫy, ao hồ. Đưa chúng tôi đi tham quan vườn, ông Thạch bộc bạch: “Trước năm 2012, khu vườn này cho nhà mình thu hơn 500 triệu đồng/năm, trong đó, 300 triệu đồng từ cây hồ tiêu. Cuối năm 2012, hồ tiêu bị bệnh chết hết, mình nghe lời cán bộ chuyển sang trồng 3 ha cà phê giống mới. Cây cà phê cho thu hoạch ổn định từ năm 2017 đến nay. Năm rồi, mình thu tổng cộng gần 600 triệu đồng”. Ông Trần Công Minh-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chư Sê-xác nhận: “Hộ ông Rah Lan Thạch đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện nhiều năm liền. Gia đình ông nổi tiếng chăm chỉ làm ăn, đồng thời đi đầu thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương”.
Ông Rah Lan Thạch (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê) bên vườn bơ của gia đình. Ảnh: Hoàng Cư
Ông Rah Lan Thạch (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê) bên vườn bơ của gia đình. Ảnh: Hoàng Cư
Một mô hình chuyển đổi cây trồng thành công khác là của chị Dụng Thị Chiến (làng Yon Tok, xã Ia Glai). Năm 2014, gia đình chị có hơn 3.000 trụ hồ tiêu đang kinh doanh thì bị chết dần. Quyết không bỏ cuộc, gia đình đã đầu tư cải tạo đất để trồng bơ booth, sầu riêng, cau... trên diện tích hồ tiêu đã chết. Sau 3 năm, cây trồng phát triển và cho kết quả tốt. Chị Chiến hồ hởi nói: “Năm 2021, giá bơ, giá sầu riêng không ổn định, còn giá cau thì tăng gấp 3 so với năm trước. Đầu mùa thu hoạch, giá cau chỉ 20 ngàn đồng nhưng đến cuối mùa tăng lên 70 ngàn đồng/kg quả tươi tại vườn, không có để bán. Có được nguồn thu gần 1 tỷ đồng là do gia đình mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, đa dạng cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Tỵ-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê-cho hay: “Hầu hết diện tích trồng hồ tiêu bị chết được bà con xử lý khử trùng, cải tạo đúng quy trình kỹ thuật và tái sản xuất, chuyển đổi cây trồng hợp lý, hiệu quả. Nhiều hội viên nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, chăn nuôi và làm giàu. Đầu năm 2022, hơn 6.500 hộ nông dân trong huyện đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 10% so với năm 2021. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh sản xuất đang chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi do dịch Covid-19”.
HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm