Đô thị

Nông dân chung tay xử lý rác thải

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thông qua Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”, bà con nông dân tỉnh Gia Lai dần thay đổi thói quen trong sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Vòng tuần hoàn xanh

Giữa năm 2023, ông Hoàng Thanh Vân-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ 2 (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) tham gia lớp tập huấn về một số phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Sau đó, ông Vân đã áp dụng phương pháp nuôi sâu canxi, trùn quế và nuôi gà trên đệm lót sinh học dày vào mô hình chăn nuôi của gia đình.

Ông Vân chia sẻ: Trước đây, gia đình ông nuôi gà theo cách truyền thống, mặc dù có rải trấu, dọn vệ sinh hàng ngày nhưng chuồng trại vẫn có mùi hôi. Từ khi chuyển sang nuôi gà trên đệm lót sinh học, ông vẫn sử dụng các phụ phẩm như rơm, trấu nhưng kết hợp với phun dung dịch men vi sinh giúp phân giải nước tiểu, phân thải, tiêu diệt sự phát triển của các loại vi sinh vật có hại.

Nhờ đó, chuồng trại không còn mùi hôi, 2-3 tháng mới dọn vệ sinh. Môi trường sạch sẽ, gà ít bệnh tật, người chăn nuôi cũng đỡ vất vả.

Mô hình nuôi trùn quế của hội viên nông dân xã Ia Peng, huyện Phú Thiện. Ảnh: V.C

Mô hình nuôi trùn quế của hội viên nông dân xã Ia Peng, huyện Phú Thiện. Ảnh: V.C

Để xây dựng quy trình tuần hoàn khép kín trong trồng trọt, chăn nuôi, ông Vân nuôi thêm sâu canxi và trùn quế. Theo ông, mô hình này rất đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao nên ai cũng có thể áp dụng. Thức ăn của sâu canxi là phụ phẩm rau, củ, quả, còn thức ăn của trùn quế là chất thải động vật. Gia đình có sạp bán rau nhỏ và chăn nuôi gà nên nguồn thức ăn cho vật nuôi rất dồi dào. Sâu canxi và trùn quế khi trưởng thành là nguồn thức ăn dinh dưỡng cho gà.

“Nhờ nguồn thức ăn bổ dưỡng và chuồng trại đảm bảo vệ sinh, đàn gà gần 50 con sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, giảm được chi phí mua thức ăn, còn chất lượng thịt gà lại thơm ngon hơn. Chất thải từ chăn nuôi gà, sâu canxi, trùn quế, tôi dùng để bón rau xanh, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho cả gia đình”-ông Vân phấn khởi cho biết.

Trong khi đó, dù mới triển khai được hơn 1 tháng nay nhưng mô hình nuôi sâu canxi của ông Trần Xuân Đoàn (thôn Bình Trang, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Đầu tháng 12-2023, ông được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 2 hộp trứng sâu và 1 giàn nuôi. 1 tuần sau khi trứng nở, ông nhân ra 6 khay. Sâu canxi ưa tối và ẩm nên ông nuôi trong gian bếp. Ông dùng vải mùng phủ lên các khay nuôi để tránh bị thằn lằn ăn hoặc sâu bò ra ngoài.

Mỗi ngày, ông cho sâu ăn 1 lần với các loại phụ phẩm: rau, củ, quả, tôm, cua, cá. Buổi sáng, khi đói, những con sâu trưởng thành bò lên thành khay giúp ông thu hoạch dễ dàng. Mỗi ngày, ông thu hoạch 2 kg sâu cho 100 con gà, vịt ăn.

Ông Đoàn so sánh: “Trước đây, đàn gia cầm ăn khoảng 5-7 kg thóc/ngày. Từ khi nuôi sâu canxi, lượng thức ăn giảm xuống 2,5 lần, trong khi gà, vịt đều khỏe mạnh, lớn nhanh trông thấy. Khi hết lứa sâu này, tôi sẽ nhờ Hội Nông dân mua thêm trứng sâu để duy trì mô hình”.

Chung tay bảo vệ môi trường

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại Gia Lai, dự án được triển khai từ ngày 1-7-2022 đến 31-12-2024 với tổng kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh đã khảo sát, lựa chọn triển khai tại 9 xã, phường, thị trấn gồm: thị trấn Phú Thiện, xã Ia Ake, Ia Peng (huyện Phú Thiện); Nghĩa Hưng, Ia Nhin, Hòa Phú (huyện Chư Păh); Sông Bờ, Đoàn Kết, Hòa Bình (thị xã Ayun Pa).

Đối tượng tham gia gồm nông dân sản xuất nhỏ, các trang trại, gia trại chăn nuôi, người thu gom thức ăn thừa, các nhà hàng… Mục tiêu của dự án là tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của hội viên nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước giải quyết một cách cơ bản việc lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi, giảm thiểu lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Nhờ nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng và môi trường sạch sẽ, đàn gà của gia đình ông Hoàng Thanh Vân (tổ 2, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) phát triển khỏe mạnh. Ảnh: Vũ Chi

Nhờ nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng và môi trường sạch sẽ, đàn gà của gia đình ông Hoàng Thanh Vân (tổ 2, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) phát triển khỏe mạnh. Ảnh: Vũ Chi

Bà Đàm Kim Liên-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Peng-chia sẻ: Toàn xã có 60 hộ tham gia dự án, trong đó, 15 hộ tham gia mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; 10 hộ nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; 15 hộ triển khai mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng; 20 hộ nuôi sâu canxi, trùn quế.

Mặc dù mới được triển khai song các mô hình đã cho thấy hiệu quả bước đầu. Trước đây, phụ phẩm nông nghiệp, phân gia súc, gia cầm thường không được xử lý đúng cách hoặc bỏ đi, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường.

Sau khi được trang bị kiến thức, tập huấn kỹ thuật, người dân đã thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi trong phân loại rác thải, tận dụng phụ phẩm làm thức ăn cho vật nuôi, cải tạo đất, qua đó, không chỉ tiết kiệm được chi phí sản xuất mà còn tạo ra sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường.

Ông Đào Nhật Nam-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ayun Pa-cho hay: Khi tham gia dự án, mỗi hộ được hỗ trợ kinh phí, con giống, chế phẩm sinh học để tham gia 1 mô hình. Nhưng sau các buổi tập huấn, hội thảo, tham quan thực tế, nhiều hộ tự nguyện bỏ kinh phí tham gia nhiều mô hình cùng lúc để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nên vòng tuần hoàn khép kín.

Đây được coi là thành công bước đầu của dự án khi người dân dần thay đổi tập quán cũ chuyển sang phương pháp chăn nuôi, canh tác mới, thân thiện với môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Có thể bạn quan tâm