Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Đak Đoa đầu tư sản xuất rau an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã triển khai nhiều mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ. Các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nguồn rau sạch, an toàn cho người sử dụng.
Trong 2 năm (2017-2018), Trạm Khuyến nông huyện Đak Đoa đã triển khai 2 mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 7 ha của 27 hộ dân xã Tân Bình và thị trấn Đak Đoa tham gia, chủ yếu trồng rau cải, cà đắng, cà rốt, khổ qua, hành, ngò, bắp sú... Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 500 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 300 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của các hộ tham gia. Trong quá trình triển khai, Trạm Khuyến nông huyện đã hỗ trợ các loại giống rau, vôi, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho các hộ tham gia mô hình; đồng thời cử cán bộ xuống hướng dẫn nông dân cách xử lý, ngâm ủ hạt giống trước khi trồng, kỹ thuật làm luống, cách chăm sóc… Ngoài ra, Trạm cũng mở lớp tập huấn kỹ thuật về quy trình trồng, chăm sóc rau an toàn theo hướng hữu cơ cho 160 hộ dân tại xã Tân Bình và thị trấn Đak Đoa.  
 Gia đình ông Huỳnh Văn Công thu hoạch cà rốt trồng theo hướng hữu cơ. Ảnh: L.N
Gia đình ông Huỳnh Văn Công thu hoạch cà rốt trồng theo hướng hữu cơ. Ảnh: L.N
Nhờ đảm bảo quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, ngâm ủ hạt giống, xử lý phân chuồng trước khi bón, cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh theo hướng sinh học nên các loại rau xanh sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 25-35 tấn/ha đối với bắp sú, củ cải trắng, khổ qua và đạt 15-18 tấn/ha đối với hành lá… Tuy giá bán sản phẩm không đồng đều nhưng các hộ tham gia mô hình vẫn đạt lợi nhuận 50-100 triệu đồng/ha/năm.
Ông Huỳnh Văn Công (thôn 5, thị trấn Đak Đoa) cho biết: Gia đình ông có gần 7 sào đất chuyên trồng rau xanh. Trước kia, ông thường sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân hóa học để hạn chế sâu bệnh. Từ khi được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng 3 sào cà rốt theo hướng hữu cơ, ông thấy hiệu quả rõ rệt, thu nhập đạt gần 50 triệu đồng. Do đó, gia đình ông quyết định đầu tư mở rộng trồng rau trên gần 4 sào đất còn lại theo hướng hữu cơ. “Sản xuất theo hướng hữu cơ, các sản phẩm làm ra được tiêu thụ dễ hơn. Đặc biệt, mình đã đưa được sản phẩm sạch đến người tiêu dùng, đất sản xuất không bị thoái hóa, từ đó bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe. Hy vọng sau này, sản phẩm sạch sẽ được bán với giá cao hơn, nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất”-ông Công nói.      
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thiện (thôn 3, xã Tân Bình) cho biết: “Tôi có hơn 8 sào đất chỉ chuyên trồng rau xanh, mùa nào rau đó, mỗi năm làm được 3 vụ. Sản xuất theo hướng hữu cơ, mình phải đầu tư công chăm sóc nhiều hơn, thời gian thu hoạch cũng dài hơn so với bình thường. Nhưng bù lại, nếu giá bán ổn định thì mỗi năm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận cũng được 50-70 triệu đồng. Hơn nữa, sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ cho ra sản phẩm sạch, không ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đất không bị bạc màu, tuổi thọ của cây trồng cao hơn và năng suất hàng năm ổn định hơn nên tôi quyết định áp dụng phương pháp này cho cả 1.000 trụ hồ tiêu và 3 ha cà phê của gia đình”. 
Có thể khẳng định, mô hình trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ đã và đang giúp nông dân trên địa bàn huyện Đak Đoa thay đổi tập quán canh tác, từng bước giảm lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Bà Huỳnh Thị Ánh Vi-Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đak Đoa-cho biết: “Mô hình chủ yếu sử dụng các loại phân hữu cơ tự nhiên, các chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Qua đó, cây sinh trưởng và phát triển tốt; người dân cũng đã ý thức được tác hại của thuốc bảo vệ thực vật và đang thay đổi dần sang sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ. Chủ trương của huyện là từng bước hình thành vùng chuyên canh rau xanh và thị trường rau quả tươi, sạch, an toàn, ổn định tại địa phương”.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm