Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Đak Đoa thâm canh hồ tiêu bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau 2 năm triển khai, mô hình “Xây dựng và phát triển thâm canh hồ tiêu bền vững” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã giúp người dân thay đổi phương thức canh tác, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để vườn cây phát triển bền vững. Bước đầu, mô hình đã phát huy hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho người trồng hồ tiêu.

Mô hình “Xây dựng và phát triển thâm canh hồ tiêu bền vững” được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai từ năm 2020-2022 tại xã Nam Yang và Hải Yang (huyện Đak Đoa) với tổng diện tích 14 ha, có 70 hộ dân tham gia (0,2 ha/hộ), tổng kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng (ngân sách nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng, còn lại người dân đối ứng). Các hộ dân tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ 60-70% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

 Anh Nguyễn Văn Công (thôn 1, xã Nam Yang) và cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra vườn hồ tiêu của dự án. Ảnh: Lê Nam
Anh Nguyễn Văn Công (thôn 1, xã Nam Yang) và cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra vườn hồ tiêu của dự án. Ảnh: Lê Nam


Anh Nguyễn Văn Công (thôn 1, xã Nam Yang) cho biết: Trước đây, do không có kiến thức về canh tác hồ tiêu bền vững nên làm sạch cỏ dại và sử dụng nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến cây bị ngộ độc. Khi cây hồ tiêu bước vào giai đoạn cho thu hoạch thì xuất hiện các loại bệnh và chết dần. “Khi tham gia mô hình tôi được hỗ trợ phân bón hữu cơ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên vườn cây phát triển xanh tốt, ít bị bệnh, năng suất đạt hơn 1,5 tấn tiêu khô/2 sào. Ngoài 2 sào tham gia mô hình, tôi cũng đang áp dụng phương pháp này cho diện tích còn lại của gia đình”-anh Công chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Huy Đạt (thôn 3, xã Nam Yang) cho hay: “Từ khi tham gia mô hình tôi mới hiểu việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đã cho tác dụng ngược. Hiện tại, vườn hồ tiêu của tôi để cỏ mọc tự nhiên giúp giữ ẩm, cải tạo đất, bảo vệ bộ rễ, bảo vệ môi trường và còn giảm công lao động. Khi sử dụng phân bón hữu cơ giúp mình giảm chi phí khoảng 50% so với dùng phân bón hóa học. Trong khi vườn cây vẫn phát triển tốt, cho năng suất ổn định 7-8 tấn/ha, cao hơn trước 1-2 tấn”.   

Còn theo ông Bùi Xuân Vinh (thôn 3, xã Hải Yang): Xã có 25 hộ trồng hồ tiêu tham gia mô hình này. Đến nay, người dân đã chuyển sang phương thức canh tác như: tăng cường bón các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ nấm, tuyến trùng rễ. Đặc biệt hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có tính độc cao để trừ tuyến trùng, nấm các loại… ở vùng rễ.

Trao đổi với P.V, ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho biết: Việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch hại trong sản xuất hồ tiêu nhằm tăng năng suất, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng một diện tích. Bên cạnh đó, thông qua mô hình này, chúng tôi muốn tạo sự liên kết các hộ dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trung tâm phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Trường Thịnh (Công ty OLAM) đối thoại với các hộ dân để ra mắt tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu tại 2 xã Nam Yang và Hải Yang. Về phía Công ty OLAM cũng đã ký cam kết thu mua, bao tiêu sản phẩm với các nhóm tổ liên kết nhằm đảm bảo đầu ra cho bà con. “Sau 2 năm triển khai mô hình, thu nhập của người dân tăng trên 15% so với trước đây. Sau khi kết thúc dự án, các địa phương cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người trồng hồ tiêu nhân rộng mô hình, góp phần ổn định diện tích theo quy hoạch của UBND tỉnh”-ông Việt thông tin.

 

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm