Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Đak Pơ hưởng ứng phong trào sản xuất kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, phong trào “Nông dân (ND) thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Những điển hình SXKD giỏi

Anh Nguyễn Xuân Tùng (thôn An Quý, xã Phú An) cho biết: Hơn 20 năm nay, anh thuê hơn 10 ha đất trồng dưa hấu. Tích lũy vốn liếng, anh mua thêm đất sản xuất và máy móc, phương tiện hỗ trợ lao động. Đến nay, gia đình anh có 3 ha mía, gần 6 ha bạch đàn và một số loại cây trồng khác.

Anh Tùng kể, năm 2020, anh đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua sắm máy cắt cỏ, máy xay cỏ nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng; tập trung vào các giống bò 3B, bò lai. Mỗi năm, gia đình anh cung ứng ra thị trường 20 con bò thương phẩm, giá bán bình quân 40 triệu đồng/con.

“Không chỉ chăn nuôi khoa học, từ năm 2017 đến nay, tôi đã áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để trồng cỏ. Nhờ vậy mà tiết kiệm nước, giảm chi phí thuê nhân công. Hiện gia đình thu nhập gần 800 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí”-anh Tùng phấn chấn nói.

Gia đình anh Nguyễn Xuân Tùng (thôn An Quý, xã Phú An, huyện Đak Pơ) mỗi năm thu nhập gần 800 triệu đồng từ trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Ảnh: N.M

Gia đình anh Nguyễn Xuân Tùng (thôn An Quý, xã Phú An, huyện Đak Pơ) mỗi năm thu nhập gần 800 triệu đồng từ trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Ảnh: N.M

Còn ông Nguyễn Thanh Tính (thôn Chí Công, xã Cư An) thì cho biết: Từ năm 2002 đến nay, đại lý thu mua mía của ông thường xuyên hỗ trợ 30 hộ hội viên ND theo hình thức cho mượn vốn, cuối vụ sẽ hoàn trả.

“Khi nhận đầu tư, các hộ chủ động nguồn vốn mua giống, phân bón ngay từ đầu vụ. Cuối vụ, tôi thu mua mía, bán lại cho Nhà máy Đường An Khê kiếm chút lãi và để tái đầu tư, mua đất sản xuất. Đến nay, tôi có 14 ha mía, 1 ha cây ăn quả và 1,5 ha bạch đàn. Công việc buôn bán thuận lợi cộng với nguồn thu từ các loại cây trồng, gia đình lãi hơn 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 10-30 lao động với tiền công 200-500 ngàn đồng/ngày/người”-ông Tính chia sẻ.

Theo bà Lê Thị Thương-Chủ tịch Hội ND xã Cư An: Toàn xã có 859 hội viên ND. Những năm qua, Hội tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia phong trào “ND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều gương ND điển hình như: Nguyễn Thanh Tính, Nguyễn Văn Sơn (thôn Chí Công), Nguyễn Công Liêm, Nguyễn Hải (thôn An Thuận), Nguyễn Tấn Cuộc, Võ Đức Dư (thôn An Định)… Những hộ SXKD giỏi không những có doanh thu cao, tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn tích cực giúp đỡ nhiều hội viên cùng vươn lên.

Đồng hành cùng hội viên, nông dân

Huyện Đak Pơ hiện có 8.205 hội viên ND sinh hoạt ở 49 chi hội. Nhằm giúp đỡ hội viên có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, những năm qua, Hội ND huyện phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh huyện Đak Pơ cho 3.258 lượt hội viên ND vay vốn mua vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, kinh doanh với tổng dư nợ hơn 259 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ nguồn Quỹ “Hỗ trợ ND”, Hội các cấp đã triển khai 16 dự án trồng cây ăn quả, chăn nuôi và cho hội viên ND vay hơn 4 tỷ đồng. Các cấp Hội cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện một số mô hình, dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề cho 3.051 hội viên ND.

Hội viên nông dân xã Cư An (huyện Đak Pơ) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả. Ảnh: Ngọc Minh

Hội viên nông dân xã Cư An (huyện Đak Pơ) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả. Ảnh: Ngọc Minh

Toàn huyện hiện có 2.779 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp; 345 mô hình trang trại, gia trại và dịch vụ phát triển kinh tế nông nghiệp; 14 hợp tác xã; duy trì 2 cánh đồng mẫu lớn trồng mía tại xã Tân An và thị trấn Đak Pơ. Từ năm 2018 đến nay, Hội ND huyện đã trực tiếp giúp 62 hội viên thoát nghèo; phối hợp với các hội, đoàn thể giúp đỡ 261 hội viên thoát nghèo; xây dựng và sửa chữa 7 căn nhà dột nát cho hội viên ND nghèo các xã: Ya Hội, Yang Bắc, An Thành.

Theo Chủ tịch Hội ND huyện Lê Thành Công, thời gian tới, Hội chú trọng đẩy mạnh triển khai phong trào gắn với thực hiện có hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ hội viên về kỹ thuật, vốn, ứng dụng công nghệ số, hợp tác, liên kết. Phát huy tinh thần đoàn kết trong việc hỗ trợ, giúp đỡ hội viên ND thoát nghèo bền vững. Nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo việc làm cho hội viên ND.

“Trong đó, tập trung tuyên truyền hội viên ND sản xuất gắn với thị trường; thay đổi tư duy kinh tế từ sản xuất nhỏ sang sản xuất quy mô lớn, liên kết, hợp tác; từ sản xuất truyền thống, kinh nghiệm sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ND tham gia các hình thức kinh tế tập thể, liên kết hợp tác trong SXKD để mang lại hiệu quả cao hơn”-ông Công nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm