Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân-doanh nghiệp Gia Lai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2018-2020, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai đang tập trung các giải pháp khuyến khích phát triển mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Tỉnh Gia Lai có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trước đây, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và các doanh nghiệp chưa thực sự gắn kết, dẫn đến tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa thường xuyên diễn ra trong mỗi vụ thu hoạch. Không những vậy, một bộ phận người dân còn giữ thói quen bán nông sản qua thương lái dù hay bị ép giá.
 Mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững giữa nông dân với Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa). Ảnh: Nguyễn Diệp
Mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững giữa nông dân với Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa). Ảnh: Nguyễn Diệp
Để khắc phục tình trạng này, những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã chủ động ký kết hợp đồng với nông dân, các tổ hợp tác và hợp tác xã đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm tạo mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong mối liên kết này, cả doanh nghiệp và nông dân đều được hưởng lợi. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được khuyến khích thông qua các hình thức hợp tác liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất để hình thành chuỗi giá trị các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. 
Để thúc đẩy mối liên kết đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 376/QĐ-UBND phê duyệt danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2018-2020. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có 104 dự án được thực hiện gồm: 2 dự án cấp tỉnh, 49 dự án cấp huyện và 53 dự án cấp xã. Mục tiêu chính của các dự án là kết nối nông dân với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trong đó, doanh nghiệp cam kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân theo chuỗi còn nông dân sản xuất nông sản chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Huyện Đak Đoa là một trong những địa phương có 6 dự án phát triển theo chuỗi giá trị. Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: “Thực hiện danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2018-2020, thời gian qua, ngành chức năng của huyện tập trung triển khai kết nối các doanh nghiệp thu mua, chế biến hàng nông sản, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp với nông dân sản xuất để tiêu thụ các mặt nông sản ổn định, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, các hợp tác xã sẽ đứng ra làm cầu nối trung gian thực hiện chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ. Hiện tại đã có một số doanh nghiệp ký cam kết và đang bắt đầu triển khai thực hiện. Đây là một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng NTM tại các xã trên địa bàn huyện”.
Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Văn-cán bộ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh-cho biết: Hiện nay, các địa phương đang tập trung lựa chọn đơn vị chủ trì, thuyết minh dự án ký kết hợp đồng để triển khai thực hiện từ nay đến cuối năm. Mục tiêu cao nhất của việc liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng NTM là nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm và hình thành mối liên kết doanh nghiệp-nông dân trong sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản.
Sau hơn 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi rõ nét, đời sống người dân ngày một nâng cao. Trong thời gian tới, khi các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với việc tiêu thụ đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao hơn nữa giá trị và chất lượng các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, góp phần xây dựng NTM một cách bền vững.
Nguyễn Diệp
--------------------
CHUYÊN ĐỀ CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI TỈNH GIA LAI

Có thể bạn quan tâm