Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Gia Lai phấn khởi vì giá nông sản tăng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, giá một số loại nông sản như mì, mía, chanh dây, cà phê... tăng cao hơn so với những năm trước và duy trì ổn định khiến bà con nông dân ở Gia Lai rất phấn khởi.

Những ngày này, các thành viên Tổ hợp tác sản xuất nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP của thôn 6C (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) rất phấn khởi khi bước vào vụ thu hoạch đầu tiên. Càng vui hơn khi họ được Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Trường Xuân (tỉnh Đak Lak) đến tận vườn hướng dẫn thu hoạch, đóng gói theo đúng tiêu chuẩn và thu mua với giá 24-25 ngàn đồng/kg (nhãn loại 1) và 20 ngàn đồng/kg (nhãn loại 2). Mức giá này cao hơn thị trường khoảng 2 ngàn đồng/kg.

Thành viên Tổ hợp tác sản xuất nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP của thôn 6C (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) thu hoạch nhãn. Ảnh: Nguyễn Diệp

Thành viên Tổ hợp tác sản xuất nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP của thôn 6C (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) thu hoạch nhãn. Ảnh: Nguyễn Diệp

Bà Nguyễn Thị Vui-Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP-cho biết: Năm 2019, gia đình bà cùng một số hộ trong thôn được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và xã Ia Hla hỗ trợ 150 cây nhãn Hương Chi để trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với HTX Nông lâm nghiệp Trường Xuân. Thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, gia đình tự mua thêm gần 1.000 cây giống của HTX về trồng trên đất hồ tiêu chết. Năm nay, gia đình bà có khoảng 900 cây cho thu hoạch, trong đó, 400 cây bước vào kinh doanh, năng suất bình quân đạt khoảng 25 kg quả/cây. “Ước tính với 400 cây nhãn Hương Chi này, tôi thu được 10 tấn quả đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, được HTX bao tiêu toàn bộ với giá 24-25 ngàn đồng/kg, cao hơn so với thị trường khoảng 2 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận đạt khoảng 130 triệu đồng. 500 cây còn lại, tôi dự kiến sẽ thu hoạch trong tháng 3 tới. Trồng nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP chi phí đầu tư thấp hơn so với cà phê và hồ tiêu, đầu ra lại ổn định nên chúng tôi rất yên tâm”-bà Vui chia sẻ.

Tương tự, những năm gần đây, HTX Sản xuất-thương mại-dịch vụ-du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với người dân các xã trên địa bàn huyện, trong đó có cây chanh dây. Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX-cho biết: Hợp tác xã liên kết với các tổ hợp tác và 178 hộ trồng chanh dây trên địa bàn xã Ia Mơ Nông và các xã lân cận. Từ cuối năm 2022 đến nay, giá chanh dây trên thị trường duy trì ổn định ở mức 14-16 ngàn đồng/kg giúp các hộ liên kết có lợi nhuận khá. Bình quân mỗi ngày, HTX cung cấp 30-40 tấn quả chanh tươi cho Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên.

Nông dân huyện Chư Sê thu hoạch mì vận chuyển về nhà máy tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Diệp

Nông dân huyện Chư Sê thu hoạch mì vận chuyển về nhà máy tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo bà Đỗ Thị Huệ-Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Trường Xuân: Hiện nay, HTX liên kết với khoảng 270 hộ nông dân ở huyện Chư Pưh trồng120 ha nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho người dân giá cao hơn thị trường khoảng 2 ngàn đồng/kg. Ngoài huyện Chư Pưh, HTX cũng liên kết sản xuất, tiêu thụ khoảng 60 ha nhãn Hương Chi tại huyện Chư Sê và đang xây dựng mô hình trồng 600 cây nhãn tại huyện Ia Pa. “Vụ thu hoạch năm nay, đích thân tôi đến từng vườn hướng dẫn người dân cách cắt quả, đóng gói bao bì sản phẩm đảm bảo theo yêu cầu của HTX để bà con có thể tự làm nhằm giảm chi phí, nâng cao thu nhập từ cây nhãn Hương Chi”-bà Huệ cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thời gian gần đây, giá các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: cà phê, chanh dây, mì, mía, chuối… luôn duy trì ở mức cao và ổn định. Đây là tín hiệu vui giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định. Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp tiếp tục tổ chức sản xuất, quản lý nâng cao chất lượng nông sản, nhất là cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản; hướng dẫn người dân, HTX và doanh nghiệp sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định về xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, hình thành các chuỗi liên kết phát triển sản xuất gắn với chế biến và xác định vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy chế biến; phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và cạnh tranh gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm… giúp người dân tiêu thụ nông sản ổn định.

Có thể bạn quan tâm