Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Ia Băng đổi mới tư duy sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ thay đổi cách thức sản xuất nên một số hộ dân ở xã Ia Băng (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) từng bước nâng cao thu nhập. Không những thế, họ còn đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP.
Thay đổi cách thức sản xuất
Cách đây 3 năm, 1 ha hồ tiêu của ông Nguyễn Văn Minh (thôn Phú Mỹ) bị bệnh và chết. Thay vì tiếp tục trồng lại, ông đầu tư trồng sầu riêng, ổi, bơ, xoài, mít. Riêng 800 m2 đất cạnh nhà ông trồng dâu tây. Lý do ông Minh chọn cây dâu tây là để “lấy ngắn nuôi dài”.  
Năm 2021, gia đình ông Nguyễn Văn Minh (thôn Phú Mỹ, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) đăng ký sản phẩm OCOP dâu tây hữu cơ. Ảnh: Anh Huy
Năm 2021, gia đình ông Nguyễn Văn Minh (thôn Phú Mỹ, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) đăng ký sản phẩm OCOP dâu tây hữu cơ. Ảnh: Anh Huy

Ông Minh cho biết: “Sau khi tìm hiểu thêm thông tin, tôi đầu tư hệ thống khung, làm nhà lưới và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để luôn đủ độ ẩm cần thiết”. Nhờ đó, 8.000 chậu dâu tây của gia đình ông phát triển xanh tốt. Bà Vũ Thị Quy (vợ ông Minh) cho hay: Dâu tây được bán với 3 mức giá: loại 1 giá 250 ngàn đồng/kg; loại 2 giá 150 ngàn đồng/kg và loại 3 là 100 ngàn đồng/kg. Bình quân mỗi ngày, gia đình thu gần 3 triệu đồng.

Tương tự, ông Nguyễn Khắc Quyến (thôn Phú Tân) áp dụng phương thức canh tác hữu cơ cho 2,7 ha cà phê của gia đình. “Sản xuất cà phê hữu cơ nên năng suất vườn cây chỉ đạt 2,5-3 tấn nhân/ha. Tuy nhiên, giá bán lại cao gấp 2-3 lần. Mặt khác, việc áp dụng đúng quy trình sản xuất hữu cơ còn giúp cây khỏe và tăng tuổi thọ”-ông Quyến nói.
Nâng tầm sản phẩm
Năm 2020, sản phẩm cà phê Quyến Gia của ông Nguyễn Khắc Quyến đã được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ông chia sẻ: “Tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, phơi sấy, chế biến. Những hạt cà phê dùng để rang xay đều được chọn lựa từ những trái chín trên cây, sau đó được rửa sạch và lựa lại 1 lần trước khi cho vào yếm khí. Những quả cà phê chín đều được phơi trên hệ thống màng lưới ngoài trời, có quản lý nhiệt độ nghiêm ngặt để giữ được hương thơm tự nhiên”.
Cũng theo ông Quyến, sản xuất theo quy trình khép kín giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Chỉ với 1 tấn cà phê nhân sau khi rang xay và bán ngay tại quán của gia đình, ông đã thu về gần 800 triệu đồng (chưa trừ chi phí).
Sản phẩm cà phê Quyến Gia của gia đình ông Nguyễn Khắc Quyến (thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) được sản xuất theo quy trình khép kín. Ảnh: Anh Huy
Sản phẩm cà phê Quyến Gia của gia đình ông Nguyễn Khắc Quyến (thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) được sản xuất theo quy trình khép kín. Ảnh: Anh Huy

Ngoài cung cấp quả dâu tây ra thị trường, ông Nguyễn Văn Minh còn bán viên nén xơ dừa và chậu cây C8. “Người dân trong xã nếu có nhu cầu mua cây giống thì giảm 50% giá so với thị trường. Vì tôi mong muốn bà con phát triển cây dâu để mang lại nguồn thu nhập ổn định”-ông Minh bày tỏ. Đặc biệt, thời gian gần đây, vườn dâu tây của ông đã trở thành điểm tham quan của nhiều du khách. Để nâng tầm sản phẩm, đầu năm 2021, ông Minh đã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP cho thương hiệu dâu tây hữu cơ.

Ông Trần Quyết Thắng-Chủ tịch UBND xã Ia Băng-thông tin: “Những năm gần đây, xã khuyến khích và hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, trong đó chú trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Riêng với mô hình dâu tây hữu cơ, xã đang hướng dẫn gia đình hoàn thiện các quy trình, thủ tục để đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2021”.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm