Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Ia Grai hưởng ứng phong trào sản xuất kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Cùng với chú trọng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, Hội Nông dân (ND) huyện Ia Grai đã triển khai hiệu quả phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Hội ND huyện Ia Grai có 13 cơ sở Hội trực thuộc với 131 chi hội thôn, làng, tổ dân phố; tổng số hội viên hơn 14.220 người, chiếm 83,1% so với hộ nông nghiệp. Xác định sản xuất nông nghiệp là trọng tâm, hàng năm, Hội ND huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn trong toàn thể cán bộ, hội viên, gắn với thực hiện các chương trình hỗ trợ ND sản xuất kinh doanh.

Ông Châu Tấn Lập-Chủ tịch Hội ND huyện-cho biết: Hội ND huyện phối hợp với ngành, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho hàng ngàn lượt ND về chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất với các hình thức phù hợp như: tập huấn đầu bờ, các mô hình trình diễn giống cây trồng, vật nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tư vấn, giới thiệu giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ; tổ chức tham quan, hội thảo học tập, trao đổi kinh nghiệm kinh tế hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với các đơn vị liên quan đào tạo nghề nông nghiệp cho cho gần 700 lao động nông thôn, trong đó có 463 người dân tộc thiểu số. Hội còn phối hợp thành lập 13 nông hội, 12 tổ hợp tác trên nhiều lĩnh vực sản xuất, phối hợp với Công ty TNHH Sơn Huyền Phát vận động hội viên ND tham gia 28 tổ hội nghề nghiệp cà phê bền vững. Trên địa bàn huyện hiện có 14 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động với 2.165 thành viên tham gia.

Nhiều nông dân huyện Ia Grai trồng sầu riêng cho thu nhập cao. Ảnh: Thanh Nhật

Nhiều nông dân huyện Ia Grai trồng sầu riêng cho thu nhập cao. Ảnh: Thanh Nhật

Toàn huyện có gần 50.000 ha cây trồng các loại; tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 275.000 con. Bà con ND thực hiện đa dạng cây trồng, đầu tư thâm canh, tăng vụ cây lương thực, cây hàng năm và một số loại cây trồng, vật nuôi mới. Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ ND huyện và cơ sở đã giải ngân gần 2,5 tỷ đồng quỹ cho hội viên vay sản xuất, thông qua các dự án hỗ trợ ND tại các xã, thị trấn.

Trong 5 năm gần đây, Hội ND huyện phối hợp thực hiện chương trình ủy thác, tạo điều kiện cho khoảng 2.800 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, với tổng dư nợ hơn 105 tỷ đồng, thông qua 71 tổ tiết kiệm và vay vốn. Ông Cao Tấn Đức-Giám đốc Agribank-Chi nhánh huyện Ia Grai-cho hay: “Chi nhánh phối hợp với Hội ND huyện và 13 xã, thị trấn triển khai hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Chương trình đã triển khai cho vay qua 84 tổ với hơn 2.000 thành viên, dư nợ hơn 219 tỷ đồng; bình quân dư nợ hơn 2,6 tỷ đồng/tổ”.

Làm thủ tục giải ngân vốn tại điểm giao dịch Ngân hàng CSXH tại các xã. Ảnh: Thanh Nhật

Làm thủ tục giải ngân vốn tại điểm giao dịch Ngân hàng CSXH tại các xã. Ảnh: Thanh Nhật

Được tạo điều kiện nhiều mặt nên số lượng ND đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tăng dần qua từng năm. Năm 2017, toàn huyện có 5.670 hộ đăng ký tham gia thì năm 2022 có 8.125 hộ (tăng 43,3%), chiếm 58% số hội viên. Năm 2016 có 4.124 hộ ND đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đến năm 2022 có gần 4.500 hộ. Đặc biệt, số hộ đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giàu tăng 4,26%.

Ông Nguyễn Hữu Để (làng Mèo, xã Ia Grăng) là một trong những hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi. Ông chia sẻ: “Tôi vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật. Với vườn cà phê, gia đình sản xuất theo hướng hữu cơ, canh tác theo quy trình 4C, tận dụng phân hữu cơ từ chăn nuôi để tiết kiệm chi phí sản xuất. Tôi được Hội ND xã mời tham gia hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, phổ biến kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho bà con ND trong xã”.

Từ hộ khó khăn do thiếu kiến thức, thiếu vốn, gia đình bà Rcơm H’Sáu (làng Blang 1, xã Ia Dêr) đã vươn lên trở thành hộ khá và còn tạo việc làm ổn định cho 6 lao động tại làng. “Tôi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, được Hội tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện vay vốn để đầu tư trồng cà phê, lúa nước 2 vụ và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tôi còn được sự hỗ trợ của Tổ hợp tác nông nghiệp và dịch vụ xã Ia Dêr canh tác giống lúa chất lượng cao JO2 và NH6. Sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình thu khoảng 500 triệu đồng/năm”.

Có thể bạn quan tâm