Nhằm phát triển loại cây trồng này theo hướng hàng hóa an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đầu năm 2020, xã Ia Khươl vận động bà con nông dân tham gia tổ liên kết trồng sầu riêng sạch. Đến nay đã có 58 hộ ở thôn Đại An 2 và thôn Tân Lập trồng hơn 25 ha sầu riêng sạch, trong đó có trên 15 ha kinh doanh theo tiêu chuẩn phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.
Ông Phạm Quý-Chủ tịch Hội Nông dân xã-thông tin: “Tham gia tổ liên kết trồng sầu riêng sạch, các hộ hội viên nông dân được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Những lợi ích này giúp cho bà con chủ động sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn khuyến cáo bà con nông dân không nên trồng sầu riêng vượt quá khả năng của gia đình, thiếu sự đầu tư bài bản, mà phải thâm canh kỹ càng, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương”.
Bà Lê Thị Thơm-Chủ vựa sầu riêng Thơm Lê, thành viên Tổ liên kết trồng sầu riêng sạch thôn Đại An 2 bán sầu riêng tại nhà vườn. Ảnh: Hoàng Cư |
Giống sầu riêng Ri6 và Thái Monthong rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Ia Khươl khi quả có cơm dày, thơm ngon, vị ngọt đậm đà hơn những vùng miền khác. Vì vậy, nhiều người tìm đến Ia Khươl mua sầu riêng để thưởng thức, làm quà... Đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân trong xã đã treo biển bán sầu riêng tại nhà vườn và bên quốc lộ 14-đường Hồ Chí Minh; đồng thời, sẵn sàng hợp tác, liên doanh, liên kết làm ăn với các đối tác.
Bà Lê Thị Thơm-Chủ vựa sầu riêng Thơm Lê (thôn Đại An 2) cho hay: “Bán sầu riêng tại nhà vườn là để tăng thu nhập, hạn chế tối đa tình trạng thương lái ép giá. Gia đình tôi xen canh cây sầu riêng vào hơn 1 ha cà phê. Năm nay, sầu riêng mang lại cho tôi thu nhập gần 400 triệu đồng, cao hơn 50 triệu đồng so với năm 2022. Hiện nay, bạn hàng ở tỉnh Quảng Ninh đặt 1 tấn quả sầu riêng Thái Monthong, với giá 70 ngàn đồng/kg. Nhờ sầu riêng mà gia đình tôi đã trở nên khá giả”.
Năm nay, từ việc liên kết trồng sầu riêng sạch, nhiều gia đình trong xã thu nhập hơn 400 triệu đồng, đặc biệt có hộ thu về hơn 1 tỷ đồng như ông Bảy Tiên (làng Tơ Vơn 1), ông Đặng Văn Kính, ông Trần Giá (thôn Đại An 2)… Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ trồng sầu riêng, những hộ người dân tộc địa phương như Rơ Châm Hliuh (làng Pốk), Rơ Châm Phyuh (làng Tơ Ve), Rơ Châm Thịnh (làng Broch), Đinh Văn Núi (làng Kach)… đang tích cực học hỏi kinh nghiệm, cải tạo vườn tạp, đầu tư chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình.
Ông Rơ Châm Chê-Chủ tịch UBND xã Ia Khươl-phấn khởi nói: “Cán bộ của xã đang tập trung hướng dẫn bà con phát triển bền vững các loại cây ăn quả, trong đó có cây sầu riêng. Chúng tôi xác định, phát triển nông nghiệp gắn với việc bảo tồn các loại hình văn hóa bản địa và bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử núi Chư Pao để thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển”.
Trao đổi với P.V, ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-cho biết: “Ia Khươl là một trong những xã có diện tích sầu riêng lớn của huyện. Nhằm phát triển loại cây này theo hướng hàng hóa, huyện đã vận động bà con tham gia tổ liên kết trồng sầu riêng sạch, hỗ trợ người dân xây dựng chuỗi liên kết, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để sản xuất kinh doanh các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước”.