Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Ia Pếch gắn bó với nghề "ăn cơm đứng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để nói lên sự vất vả của nghề trồng dâu nuôi tằm, người xưa thường ví von: “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Tuy nhiên, nhiều nông dân xã Ia Pếch (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã chứng minh nuôi tằm không quá vất vả, mất nhiều thời gian, lại ít tốn chi phí mà thu nhập lại cao.

Nuôi tằm nhàn tênh

3 năm qua, đều đặn mỗi tháng, gia đình anh Trần Ngọc Minh (làng O Pếch) xuất bán hơn 200 kg kén. Anh chia sẻ: “Trước đây, tôi nghĩ nghề trồng dâu nuôi tằm vất vả, cực nhọc lắm. Đến khi được người bạn ở tỉnh Lâm Đồng giới thiệu, rồi trực tiếp tham quan một số mô hình mới thấy nuôi tằm nhàn tênh. Chi phí đầu tư ít, giá tằm giống vừa phải, việc chăm sóc không tốn nhiều thời gian mà lợi nhuận lại cao. Vì vậy, tôi quyết định chuyển đổi 4 sào hồ tiêu kém năng suất sang trồng dâu nuôi tằm”.

Thay vì nuôi tằm trên các nong tre, gia đình anh Minh nuôi trực tiếp dưới nền xi măng. Phương pháp nuôi này giúp gia đình anh tiết kiệm được rất nhiều nhân công. Bình quân mỗi tháng, gia đình anh Minh nuôi 2 lứa tằm kén, mỗi lứa 2 hộp và bán ra thị trường khoảng 230-240 kg kén. Với giá bán 130-135 ngàn đồng/kg kén, sau khi trừ các khoản chi phí, anh thu về hơn 20 triệu đồng/tháng. Năm 2021, gia đình anh trồng thêm 5 sào dâu giống S7 lá to, dày, tươi lâu và năng suất cao để tăng số lượng tằm giống.

 

Anh Hạ rải từng cành dâu trực tiếp lên những con tằm đang nuôi dưới nền xi măng. Ảnh: Anh Huy
Anh Nông Đức Hạ (làng O Pếch, xã Ia Pếch) rải từng cành dâu làm thức ăn cho tằm. Ảnh: Anh Huy

Cũng nhờ gắn bó với nghề “ăn cơm đứng”, mỗi tháng, gia đình anh Nông Đức Hạ (cùng làng) thu về 6-7 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn chăm sóc 600 cây cà phê và làm thêm công việc thu gom, dọn vệ sinh trong chợ. Anh Hạ cho biết: “Số tằm này 2 ngày nữa tôi sẽ cho lên né gỗ để chuẩn bị kết kén. Giai đoạn đó, chỉ cần bỏ tấm lưới phủ lên trên, tằm sẽ tự bò vào lưới để mình chuyển sang né chứ không phải bắt từng con”. Theo anh Hạ, chỉ cần vài tháng nuôi tằm đã bằng nguồn thu cả năm từ 600 cây cà phê. Hơn thế, nuôi tằm không cần nhiều công chăm sóc vì chu kỳ mỗi lứa nuôi khoảng 15 ngày, trong đó có đến 3 ngày tằm chỉ ngủ. Thời gian còn lại, anh chỉ cần ngày 2 lần cắt cành dâu về làm thức ăn cho tằm và thỉnh thoảng rắc vôi để khử khuẩn đảm bảo môi trường sạch sẽ cho tằm phát triển.   

Liên kết sản xuất

Năm 2019, xã Ia Pếch thành lập Tổ liên kết trồng dâu nuôi tằm gồm 16 thành viên. Tổ trưởng Trần Ngọc Minh thông tin: “Số thành viên hiện nay đã tăng lên 22 hộ tập trung ở làng O Pếch. Chúng tôi lấy giống và bán kén cùng thời điểm nên có thể hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất lẫn tiêu thụ. Nuôi tằm kén quan trọng nhất là con giống. Vì vậy, chúng tôi không mua giống trôi nổi ngoài thị trường mà có 2 thành viên đảm nhận công việc này”.

Bà Nguyễn Thị Sen (làng O Pếch, xã Ia Pếch) kiểm tra những con tằm giống. Ảnh: Anh Huy
Bà Nguyễn Thị Sen (làng O Pếch, xã Ia Pếch) kiểm tra những con tằm giống. Ảnh: Anh Huy


Là hộ cung cấp tằm giống cho các thành viên tổ liên kết, bà Nguyễn Thị Sen cho hay: “Gia đình tôi nhập trứng tằm từ tỉnh Lâm Đồng. Từ khi nhập trứng cho đến lúc bán tằm giống mất khoảng 17-20 ngày. Nuôi tằm phụ thuộc vào nguồn thức ăn nên các hộ có nhu cầu bao nhiêu, tôi mua trứng về ấp bán bấy nhiêu”. So sánh giữa nuôi tằm kén và tằm giống, bà Sen cho rằng: “Nuôi tằm kén, mỗi ngày chỉ cần 2 lần cắt dâu cho ăn, đảm bảo tằm không bị đứt bữa. Ngược lại, việc nuôi tằm giống phù hợp với những hộ ít diện tích đất sản xuất, có nhân lực. Vì cứ 2-3 giờ tằm ăn 1 lần, lá phải tươi và xắt thật nhỏ. Nuôi tằm giống mang lại nguồn thu nhập cho gia đình bình quân 7-8 triệu đồng/tháng”.

Trao đổi với P.V, ông Ngô Khôn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Pếch-nhìn nhận: “Mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho một số hộ dân trên địa bàn. Xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân, nhất là các hộ dân tộc thiểu số mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém năng suất sang trồng dâu nuôi tằm. Những hộ đăng ký tham gia, các thành viên trong tổ sẽ trực tiếp hướng dẫn từ khâu trồng dâu đến chọn giống tằm và quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc”.

 

 ANH HUY

Có thể bạn quan tâm