Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn sầu riêng rộng gần 2 ha đang cho trái vụ đầu tiên, anh Rơ Châm Tuy (33 tuổi, làng Phung) phấn khởi kể: Sau một năm tham gia vào Tổ hợp tác trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, vườn cây của gia đình tôi sinh trưởng và phát triển rất tốt. Trong canh tác, các nhà vườn trong Tổ hợp tác đã tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học vào chăm bón cho vườn cây nhằm góp phần cải tạo đất, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo chất lượng trái tươi an toàn. Nông dân trong làng đã cùng nhau học tập, trao đổi để chuyển từ cách trồng truyền thống sang phương pháp mới để có sản phẩm an toàn cho người sử dụng, thuận lợi bao tiêu sản phẩm.
Anh Rơ Châm Tuy (làng Phung) phấn khởi khi vườn sầu riêng rộng gần 2 ha trồng theo hướng VietGAP đang cho trái vụ đầu tiên. Ảnh: Mai Ka |
“Đây được xem là hướng đi phù hợp,góp phần nâng cao giá trị cây trồng, tăng thu nhập cho bà con nông dân, từng bước chuyển đổi cây trồng một cách hợp lý và hiệu quả. Hiện vườn sầu riêng 3 năm tuổi của gia đình tôi đang cho trái vụ đầu tiên, hứa hẹn một vụ mùa bội thu”-anh Tuy cho biết.
Nhận thấy trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP là mô hình nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường, tạo điều kiện liên kết chuỗi tiêu thụ, tăng giá trị thu nhập, ông Rơ Châm Kyêu (45 tuổi, làng Phung) đã mạnh dạn tham gia vào Tổ hợp tác với kỳ vọng gần 1 ha sầu riêng của gia đình sẽ được nâng cao giá trị. Sau khi được tham gia các buổi tập huấn và cùng các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, ông Kyêu đã tự ủ phân vi sinh để bón cho cây sầu riêng thay phân hóa học như trước. Ông còn giữ thảm cỏ quanh gốc cây để giữ ẩm và hạn chế sâu bệnh.
Ông Kyêu chia sẻ: “Sau khi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng sầu riêng theo hướng VietGAP, người dân chúng tôi được tiếp cận những kiến thức cơ bản về phương pháp trồng và chăm sóc cây sầu riêng áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng VietGAP, cách điều trị các sâu bệnh thường gặp trên cây sầu riêng. Dù mới ở năm thứ 2 nhưng vườn sầu riêng của gia đình tôi đã phát triển vượt trội. Tôi sẽ tiếp tục áp dụng khoa học-kỹ thuật một cách hiệu quả nhất để sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP”.
Theo ông Rơ Châm Khên-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phung, làng có 131 hộ, trong đó có hơn 90% là hộ người dân tộc Jrai. Trước đây, bà con trong làng chủ yếu trồng cây cà phê và lúa nước. Những năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế của cây sầu riêng, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng sầu riêng hoặc trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê. Tháng 9-2023, Tổ hợp tác trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP của làng Phung ra đời. Đây trở thành “ngôi nhà chung” để bà con cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong việc trồng và chăm sóc sầu riêng. Dù đang trong giai đoạn ra bông, cho trái bói nhưng hầu hết vườn cây của các thành viên trong Tổ hợp tác đang sinh trưởng tốt, kỳ vọng cho những vụ mùa bội thu.
Ông Rơ Châm Kyêu (làng Phung) tự ủ phân vi sinh bón cho cây sầu riêng thay phân hóa học. Ảnh: Mai Ka |
“Đến nay, Tổ hợp tác trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP của làng Phung có 14 thành viên, canh tác hơn 25 ha. Nông dân Jrai khi tham gia vào Tổ hợp tác được nâng cao kiến thức, biết áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất cây sầu riêng, hạn chế được sâu bệnh phá hoại, hướng đến nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm”-ông Rơ Châm Khên cho hay.
Sầu riêng khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Ia Mơ Nông. Do đó, việc thành lập Tổ hợp tác nhằm tăng giá trị cho cây trồng và hướng đến xây dựng thương hiệu. Bà Trần Thị Thùy Dung-Cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Mơ Nông-cho biết: Trên địa bàn xã có khoảng 80 ha sầu riêng và nhiều vườn đã cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế cao. Trung bình 1 ha cà phê các hộ trồng xen khoảng 130 cây sầu riêng. Với giá bán khoảng 65-70 ngàn đồng/kg, mỗi cây sầu riêng cho thu khoảng 3-5 triệu đồng/năm.
Như vậy, 1 ha trồng xen, sau khi trừ chi phí đầu tư chăm sóc, các hộ còn lãi khoảng 300-500 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Tổ hợp tác trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP ở làng Phung là mô hình đầu tiên của xã. Mặc dù đang ở giai đoạn đầu nhưng đã nhận thấy một số kết quả khả quan. Tổ hợp tác 100% thành viên là người Jrai. Khi tham gia Tổ hợp tác, họ đã biết cách để chuyển đổi phương thức sản xuất hiệu quả và an toàn hơn; tuân thủ quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, dùng các loại phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học, đảm bảo cho ra sản phẩm trái cây sạch.
“Hiện chúng tôi đang nỗ lực phát triển Tổ hợp tác, hướng đến chuẩn hóa chất lượng sản phẩm để đăng ký sản phẩm OCOP; qua đó góp phần nâng cao giá trị cây trồng, tăng thu nhập cho bà con nông dân, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hợp lý và hiệu quả”-bà Dung thông tin.