Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nông dân cả nước bắt đầu vào vụ mùa sản xuất năm mới, nhưng chi phí nhân công, giá vật tư, phân bón tăng cao đã khiến nhiều người chán nản trước viễn cảnh thua lỗ.
Đỏ mắt tìm nhân công
Thời điểm hiện tại, vụ thu hoạch hồ tiêu đã chuẩn bị vào chính vụ trên khắp các vùng sản xuất như Tây nguyên, Đông Nam bộ. Thế nhưng, để tìm được nhân công hái tiêu hết sức khó khăn trong bối cảnh vừa thiếu người và giá công hái tăng vùn vụt. Chị Nguyễn Thị Yên, hộ trồng tiêu, cà phê tại Pleiku (Gia Lai), than thở: “Mới đầu năm mà người nông dân gặp khó khăn quá. Trồng cà phê thì xăng dầu tăng giá, trồng tiêu thì mất mùa mà tìm người hái không có, nếu có thì họ cũng đòi giá trên trời. Khắp nơi đều đang tìm nhân công hái tiêu mà không ra”.
Nông dân khổ sở vì giá vật tư, nhân công tăng vùn vụt. Ảnh: Quang Thuần |
Anh Trần Toàn, chủ vườn tiêu ở H.Đắk Song (tỉnh Đắk Nông), cũng lo lắng: “Nhiều ngày nay tôi rao tìm người hái tiêu nhưng vẫn chưa được. Mặc dù đưa ra nhiều điều kiện hấp dẫn như có chỗ ngủ, bao ăn, nhưng vẫn không tìm được ai”.
Anh Đặng Võ, một chủ vườn khác ở Đắk Nông, rầu rĩ nói: “Năm nay tiêu mất mùa, vườn tôi chỉ được khoảng 3 tấn, nhưng nhân công hái thì giá cao quá mức. Hái khoán họ đòi 7.000 đồng/kg, hái theo ngày họ đòi 250.000 đồng/ngày, mà còn phải bao ăn ở mới chịu làm. Giá hái tiêu cao như vậy trong khi giá bán hạt tiêu không tăng bao nhiêu, người trồng chỉ có nước thua lỗ”. Anh Nguyễn Văn Quốc, chủ vườn tiêu tại H.Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu), cũng cho biết: “Tôi cần 6 người hái tiêu mà tìm mấy ngày nay chưa có. Các chủ vườn tiêu đang trong tình cảnh gần như phải đi năn nỉ khắp nơi để tìm công hái, người ta nói rằng đi phụ hồ còn có giá 300.000 đồng/ngày nên chê việc hái tiêu giá thấp”. Theo khảo sát, giá nhân công hái tiêu ở các vụ trước chỉ khoảng 180.000 đồng/ngày, nhưng hiện nay đã tăng hơn 50% nhưng vẫn khó tìm được người.
Khổ vì giá dầu, phân bón tăng
Trong khi vụ mùa hồ tiêu khổ vì thiếu nhân công thu hái thì người trồng cà phê méo mặt vì giá dầu, phân bón đồng loạt tăng cao khi đang bước vào thời điểm chăm bón. Ông Lâm Văn Thạch, chủ vườn cà phê tại H.Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), than: “Nhà tôi dùng dầu để chạy máy bơm tưới cây. Giá dầu mấy ngày qua tăng chóng mặt, mấy hôm trước các đại lý xăng dầu không bán số lượng lớn, có chỗ đóng cửa tôi phải chạy rất xa mới mua được dầu. Đến lúc họ mở cửa lại, giá dầu tăng lên 21.000 đồng/lít, giá bán cà phê chưa biết thế nào chứ giá thành sản xuất tăng cao như vậy thì người nông dân còn nghèo dài dài”.
Cùng cảnh ngộ, anh Trần Linh, nông dân tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), chia sẻ: “Hôm nay tôi đi mua phân để vãi lúa mà giá khiếp quá, mua xong cảm thấy nản và hoang mang. Mọi năm tôi làm lúa trung bình tiền đầu tư cho một sào là 2 triệu đồng, thu về 7 triệu đồng, còn bây giờ lúa rẻ, phân đắt, tiền đầu tư thành 3 triệu đồng/sào mà bán lúa được có 5 triệu đồng, đó là chưa tính công cán. Tôi nói thật, nông dân làm cà phê và lúa bây giờ khổ vì giá phân và dầu tưới kinh khủng. Cuối năm nay giá cà phê mà rớt xuống dưới 37.000 đồng/kg, với tình hình phân leo thang như thế này thì xác định cái nịt cũng không còn. Không làm thì chết thân, mà làm lời lãi chỉ đủ sống thế này thì đắng quá”. Cùng chung nhận định, anh Lý Thành Công, ngụ tại TP.Pleiku (Gia Lai), dự báo: “Năm vừa rồi còn đỡ, năm nay giá vật tư, phân bón tăng như vậy ngay từ đầu mùa thì lỗ rồi. Bón ít phân, sản lượng cà phê giảm dần, giá dầu thì tăng cao, năm nay nông dân càng khổ hơn nữa”.
Chị Hà Trang, chủ vườn cà phê tại H.Đam Rông (Lâm Đồng), bộc bạch: “Nhắc đến giá phân bón thì nông dân rớt nước mắt. Phân NPK năm trước giá 1 bao 100 kg khoảng 800.000 đồng thì hiện nay đã tăng lên gấp đôi, từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/bao. Mới đầu năm mà tiền dầu, tiền phân bón, nhân công đã tăng cao thế này rồi thì chỉ có nước lỗ thôi”.
Giá phân bón khó lường Thị trường phân bón trong nước năm 2021 đã khép lại trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Nhâm Dần ở mức giá cao nhưng đã bắt đầu chững lại sau khi tăng hỗn loạn gần như suốt năm theo đà tăng của thế giới. Kể từ ngày 8.2 (mùng 8 tháng giêng) các công ty và đại lý phân bón bắt đầu khai trương bán hàng trở lại nhưng theo ghi nhận trên thị trường, gần như không có các giao dịch lớn vì nông dân chán nản hoặc tìm cách thay thế phân bón hóa học bằng các nguồn dinh dưỡng khác. Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinacam, nhận định: “Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc chững lại ở tất cả các mặt hàng phân bón, trong đó đầu tiên phải kể đến là do trong thời gian ngắn của năm 2021, giá phân bón trong nước đã tăng quá nhanh theo đà tăng của thế giới khiến hàng tồn của các đại lý có nhiều mức giá khác nhau với biên độ lớn. Như vậy, nếu làm phép tính bình quân thì dẫu cho thời điểm này có bán ra thấp hơn với thời gian trước tết cả triệu đồng mỗi tấn thì các đại lý vẫn còn có lãi đến vài ba triệu một tấn. Đây là mức lãi trong mơ của ngành kinh doanh phân bón! Do vậy tâm lý chung là xả hàng để chốt lời”. Ghi nhận diễn biến thị trường trong hơn 1 tháng trở lại đây, giá urê thế giới đã giảm từ 300 - 400 USD/tấn mà phản ánh rõ rệt nhất là qua đấu thầu mua 1,5 triệu tấn của Ấn Độ tuần rồi. Giá đấu thầu của Ấn Độ đã kéo giá urê thế giới giảm đồng loạt. Trong đó giá hạt đục tại khu vực Đông Nam Á cũng phản ánh mức mới, nếu nhập về VN thì giá vốn chỉ còn trên dưới 14 triệu đồng/tấn so với giá bán (chưa trừ chiết khấu) của Đạm Cà Mau hiện tại là 16,5 triệu đồng/tấn. Giá thế giới đối với DAP và kali vẫn ở mức cao và không có dấu hiệu giảm mà ngược lại đang tăng nhẹ do chính sách hạn chế xuất khẩu DAP của Trung Quốc và nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới lên đến 4 triệu tấn của Ấn Độ, sự cải thiện về giá nông sản thế giới.
|
Theo Quang Thuần (TNO)