Hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk. Thời gian qua, giá tiêu giảm mạnh, cộng với nhiều diện tích nhiễm bệnh và ngập úng chết, khiến cho người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh này gặp khó khăn.
Ông Trần Văn Hải (xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) bên vườn tiêu chết do nhiễm bệnh. |
Nhìn vườn tiêu đang cho thu hoạch héo lá, rụng đốt chết, chỉ trơ lại trụ, ông Trần Văn Hải (trú tại thôn 6, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) không khỏi lo lắng khi nguồn thu nhập chính của gia đình bị cắt giảm. Ông Hải cho biết: để trồng 1 ha hồ tiêu từ mua giống đến xây trụ gạch, gia đình ông đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Do dịch bệnh nên hồ tiêu gia đình ông đã chết 80%, từ 1.000 trụ đến nay chỉ còn 200 trụ.
Cũng vay vốn đầu tư 1,7 ha hồ tiêu, thế nhưng đến nay vườn hồ tiêu của gia đình ông Vũ Đức Trịnh, hàng xóm ông Hải cũng đã chết gần hết. Ông Trịnh cho biết, với những diện tích tiêu đã chết, ông cho thu dọn trụ tiêu, thuê máy cày xới đất để chuyển sang cây trồng khác. Còn một số diện tích mới trồng cho thu bói thì ông đang cố gắng cứu chữa, nhưng tiêu vẫn chết.
Xã Xuân Phú là một trong những địa phương có diện tích trồng tiêu lớn của huyện Ea Kar. Toàn xã có gần 1.000 ha hồ tiêu, thế nhưng đến nay diện tích hồ tiêu của người dân trên địa bàn xã đã chết hơn 600 ha. Số diện tích hồ tiêu còn lại đang tiếp tục chết chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguyên nhân của tiêu chết là do nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, đồng thời nhiều diện tích do người dân trồng ở các vùng đất thấp không phù hợp khiến cây tiêu bị ngập úng chết.
Theo ông Phạm Xuân Toàn- cán bộ khuyến nông xã Xuân Phú, qua thống kê, hiện người dân trên địa bàn xã sau khi vay vốn ngân hàng đầu tư trồng tiêu đến nay dư nợ hàng trăm tỷ đồng. Thống kê của các ngân hàng cho thấy, tổng số dư nợ của người dân trên địa bàn xã Xuân Phú ước đạt trên 300 tỷ đồng, chia bình quân đầu người thì mỗi hộ nợ từ 200 đến 300 triệu đồng. Diện tích cây tiêu ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế, đời sống của người dân. Bây giờ một số người dân, tiêu chết thì không có khả năng trả nợ phải đi làm ăn xa, tạo thêm nguồn thu nhập để trả lãi ngân hàng. Không chỉ ở xã Xuân Phú mà hiện trên địa bàn huyện Ea Kar có hơn 1.500 ha hồ tiêu của người dân bị chết do ngập úng và nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, hiện diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là hơn 38.600 ha. Tính đến nay, đã có trên 3.800 ha hồ tiêu bị ngập úng chết, nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm và các loại sâu bệnh hại khác. Tại nhiều nơi, người dân đã phá bỏ vườn tiêu, thu gom trụ, cày xới đất chuyển sang cây trồng khác.
Bà Vũ Thị Thanh Bình- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết mặc dù hiện nay diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh và giá tiêu đang giảm mạnh, tuy nhiên người dân không nên buông xuôi mà cần phải duy trì những diện tích hồ tiêu còn cho sản lượng để chờ giá cả ổn định. Bà Bình khuyến cáo người dân ở những diện tích tiêu bị chết do ngập úng, đất đai không phù hợp hoặc diện tích tiêu chết do bệnh chết nhanh, chết chậm thì bà con không trồng lại tiêu, mà nên chuyển diện tích đó sang những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nguyễn Tuấn Anh (Đại đoàn kết)