(GLO)- Mặc dù nắng hạn kéo dài khiến năng suất mì giảm so với năm trước, song củ mì tươi đang được thu mua với giá cao đã giúp nhiều hộ giữ thu nhập ổn định trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay.
Hiện nay, người dân huyện Mang Yang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mì. Ông Dư (làng A Lao, xã Lơ Pang) phấn khởi nói: “Gia đình mình đang thu hoạch 1 ha mì. Dự kiến vụ này, gia đình thu gần 20 tấn mì tươi. Nhà máy thông báo giá 2.400-2.500 đồng/kg mì tươi, cao hơn năm trước 500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, 1 ha mì lãi hơn 20 triệu đồng”.
Tại huyện Đak Pơ, người dân cũng phấn khởi khi giá mì tươi tăng cao ngay từ đầu vụ. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hơn 10 ha mì của ông Lê Văn Tiến (thôn An Quý, xã Phú An) cho năng suất bình quân trên 30 tấn/ha. Đặc biệt, mì củ năm nay được nhà máy thu mua với giá 2.400-2.900 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 300-500 đồng/kg. “Đây là điều đáng mừng. Hiện tôi đã thu hơn một nửa diện tích. Nếu giá tiếp tục giữ ổn định thì tôi lãi hơn 400 triệu đồng”-ông Tiến cho hay.
Ông Dư (làng A Lao, xã Lơ Pang) vận chuyển mì của gia đình đến bán cho Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-thông tin: Vụ mì năm nay, toàn huyện có khoảng 1.460 ha. Ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác và phòng-chống bệnh khảm lá vi rút gây hại. Nhờ đó, diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá giảm đáng kể. Giá mì đang tăng cao giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, không lo về đầu ra.
Đề cập đến việc tiêu thụ mì trong niên vụ này, ông Lâm Đức Chính-Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai-cho biết: Năm nay, nắng hạn kéo dài khiến cây mì chết nhiều, người dân phải trồng lại nhiều lần, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhà máy. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ thu mua được khoảng 500-600 tấn mì, chưa đáp ứng đủ công suất của nhà máy. Để duy trì công suất chế biến 1.000 tấn/ngày, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục liên kết với người dân mở rộng vùng nguyên liệu. Đồng thời, tập trung hướng dẫn người dân trồng giống mì KM94 không nhiễm bệnh khảm lá vi rút gây hại, có hàm lượng tinh bột cao. Cùng với đó, phối hợp với ngành Nông nghiệp các địa phương tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nhằm nâng cao năng suất cây mì để đôi bên cùng hưởng lợi.
Người dân xã Tú An (thị xã An Khê) thu hoạch mì. Ảnh: Ngọc Minh |
Trong khi đó, ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro thì cho rằng: Giá mì đang tăng cao là tín hiệu vui cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, huyện khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích mà tập trung đầu tư thâm canh, sử dụng giống năng suất cao, kháng bệnh để phát triển bền vững.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Toàn tỉnh có hơn 70 ngàn ha mì. Giá mì tăng nhưng chưa thực sự bền vững. Trong khi bệnh khảm lá vi rút gây hại chưa khống chế tuyệt đối, năng suất cũng chưa cao nên lợi nhuận của người dân không nhiều. Nguyên nhân chính là do việc thực hiện quy hoạch sản xuất chưa tốt, chưa có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, mối liên kết sản xuất giữa nhà máy chế biến với người dân chưa bền vững… Để cây mì phát triển bền vững, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung quy hoạch, xác định lại những diện tích đất trồng mì phù hợp. Xây dựng các mô hình trồng mì dưới tán rừng để hạn chế rủi ro và nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, tập trung quản lý tốt nguồn giống, đưa các giống mì có khả năng kháng bệnh khảm lá, năng suất cao vào sản xuất.
Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: “Ngành sẽ tạo điều kiện để các nhà máy đầu tư giống mới, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân cũng như đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để làm ra nhiều sản phẩm từ tinh bột mì. Dự kiến trong tháng 11 này, Sở sẽ tổ chức hội thảo đầu bờ về sử dụng giống mì sạch bệnh nhằm định hướng, hướng dẫn người dân lựa chọn đưa vào sản xuất”. |
NGUYỄN DIỆP - QUANG TẤN