Thu nhập của gia đình ông Đặng Văn Hà (thôn Thống Nhất, xã Ia Peng) được cải thiện đáng kể sau khi chuyển đổi từ trồng lúa kết hợp nuôi cá thương phẩm sang nuôi cá giống. Đặc biệt, ông Hà đã liên kết với Hợp tác xã (HTX) Cá giống Đức Thắng (thôn Bình Trang, xã Ia Peng) để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định. Ông cho biết: “Tôi gắn bó với nghề nuôi cá nước ngọt gần 30 năm nay. Trước đây, khi chưa tham gia HTX, tôi nuôi cá thương phẩm nhưng đầu ra bấp bênh, lợi nhuận không cao. Sau khi tham gia HTX để sản xuất cá giống thì hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt, đầu ra đảm bảo. Với 1,5 ha mặt nước, mỗi năm, tôi cung cấp cho thị trường 7 tấn cá giống, thu nhập bình quân đạt trên 200 triệu đồng”.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Cá giống Đức Thắng, huyện Phú Thiện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, thị trường cá giống rất tiềm năng, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người nuôi cá trên địa bàn mà còn cung cấp cho các tỉnh ở miền Trung-Tây Nguyên nhờ chất lượng cá giống tốt. “Với 30 thành viên hiện có, lượng cá giống của HTX sản xuất ra vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Do đó, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động các hộ dân trên địa bàn huyện tham gia để được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu đầu ra”-ông Thắng cho hay.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, nhờ chất lượng cá giống của HTX tốt nên được thị trường miền Trung-Tây Nguyên ưa chuộng. Ảnh: Quang Tấn |
Bên cạnh tiềm năng về phát triển cây lúa nước, chăn nuôi gia súc, thủy sản, huyện Phú Thiện cũng có nhiều lợi thế để phát triển cây ăn quả. Những năm qua, nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả đã được bà con nông dân chuyển sang trồng cây ăn quả và bước đầu mang lại thu nhập cao. Gia đình ông Lại Quang Huấn (làng Ia Chă Wău) là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiêu biểu của vùng đất khó Chư A Thai.
Trang trại của gia đình ông Huấn có diện tích 11 ha kết hợp trồng cây ăn quả, lúa nước, chăn nuôi gà, bò, dê và đào ao nuôi cá. Ông cho hay, trước đây, diện tích này chủ yếu trồng mía nhưng thu nhập bấp bênh, nhất là vào năm 2016, giá mía xuống thấp, làm không đủ bù đắp chi phí. Sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhận thấy cây nhãn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên ông đã chuyển dần sang trồng nhãn, xoài Úc. Đến nay, ông Huấn đã chuyển 6 ha mía sang trồng khoảng 2.000 cây nhãn và 250 cây xoài Úc; diện tích còn lại ông chuyển sang trồng cỏ nuôi bò, dê và đào 3 ao thả cá.
“Bên cạnh kinh nghiệm tích lũy từ các chuyến tham quan, tôi cũng tích cực nghiên cứu, tìm hiểu trên mạng internet nên có thể áp dụng kỹ thuật ép nhãn ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Đồng thời, tôi áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, chăm sóc cây theo hướng hữu cơ nên năng suất, chất lượng nhãn luôn đạt cao, được thị trường ưa chuộng. Đến vụ thu hoạch, thương lái vào tận vườn để thu mua. Với giá bán bình quân 25-30 ngàn đồng/kg nhãn, 10 ngàn đồng/kg xoài, vườn cây ăn quả đã mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 1 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, tôi rất mong chính quyền địa phương đứng ra làm đầu mối vận động người trong vùng liên kết mở rộng diện tích, hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả nhằm tạo nguồn cung ổn định cho thị trường và hỗ trợ tìm đầu mối xuất khẩu để nâng cao thu nhập cho người dân”.
Theo ông Lại Quang Huấn, trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, nhãn của gia đình ông không đủ để cung cấp cho nhu cầu quá lớn hiện nay. Ảnh: Quang Tấn |
Nhờ thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, diện mạo khu vực nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Phú Thiện ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từng bước nâng lên, nếu như năm 2016 chỉ đạt 16,34 triệu đồng thì đến cuối năm 2022 đạt khoảng 39 triệu đồng/người.
Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Thời gian tới, huyện tập trung triển khai có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó, xây dựng các mô hình, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, người dân tham gia Chương trình OCOP nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng của địa phương; thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân, hình thành quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, huyện sẽ tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên các lĩnh vực thế mạnh để từng bước cải thiện thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.