Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Phú Thiện “trúng mùa” đậu đen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến thời điểm này, bà con nông dân huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai sắp thu hoạch xong diện tích đậu đen xanh lòng. Không khí thu hoạch khẩn trương, niềm vui của người dân được nhân lên bởi đậu đen được mùa, được giá.

Ông Mã Văn Thủy (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol) phấn khởi cho biết: 5 năm qua, gia đình ông chọn cây đậu đen xanh lòng là cây trồng gối vụ nhằm cải tạo đất cho vụ lúa và vụ khoai lang. “Với 1,2 ha, vụ đậu đen năm nay, gia đình tôi thu về hơn 1,4 tấn. Nếu như năm ngoái, đậu đen xanh lòng có giá 25-30 ngàn đồng/kg thì năm nay được thương lái thu mua 55-60 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình lãi gần 75 triệu đồng, cao gấp đôi so với trồng lúa”.

Theo ông Thủy, sau khi thu hoạch xong vụ khoai lang vào cuối tháng 4, gia đình cày đất để xuống giống đậu đen, trồng 2 tháng là cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài gần 1 tháng và chia làm 3 đợt. Đặc biệt, trồng cây đậu đen ít tốn công chăm sóc, lại giúp cải tạo đất rất tốt, chi phí sản xuất 15-17 triệu đồng/ha. Những năm gần đây, nhiều hộ dân trong xã đã chọn cây đậu đen xanh lòng làm cây trồng phụ giữa vụ lúa và vụ khoai lang. Năm nay, cây đậu đen cho năng suất 1,2-1,5 tấn/ha, cao hơn năm ngoái 2-4 tạ/ha. Với giá bán ổn định như hiện nay thì người dân có lãi khá cao.

Nông dân làng Kinh Pêng (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) thu hoạch đậu đen. Ảnh: Ngọc Sang

Nông dân làng Kinh Pêng (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) thu hoạch đậu đen. Ảnh: Ngọc Sang

Tương tự, anh Tống Văn Âu (cùng thôn) cho hay: “Trước đây, trên diện tích 2 ha, mỗi khi thu hoạch xong vụ khoai lang, gia đình trồng cây rau màu để cải tạo đất. Từ khi chuyển sang trồng cây đậu đen xanh lòng, gia đình tôi thu được lợi nhuận khá cao. Nhờ thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên năm nay ruộng đậu đen cho năng suất cao. Từ đầu vụ đến nay, gia đình đã thu được gần 3 tấn, thu hoạch đến đâu tranh thủ thời tiết nắng ráo phơi rồi bán ngay. Vụ này, gia đình thu về 120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí”.

Ông Phạm Tiến Lâm-Chủ tịch UBND xã Ia Sol-cho biết: Năm nay, người dân trong xã gieo trồng 295 ha đậu đen, năng suất trung bình 1,3 tấn/ha, cao hơn 3 tạ/ha so với năm trước. Từ đầu vụ đến nay, giá đậu đen dao động trong khoảng 55-60 ngàn đồng/kg. Với giá như hiện nay, trung bình người dân lãi trên 65 triệu đồng/ha.

“Những năm gần đây, người dân trong xã đã chọn cây đậu đen là một trong những cây trồng nhằm cải tạo đất, luân canh giữa vụ lúa và vụ khoai lang. Bà con nông dân cũng chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời bám sát lịch thời vụ nên mang lại năng suất cao”-ông Lâm thông tin.

Giá đậu đen xanh lòng năm nay tăng đột biến giúp người dân Phú Thiện có thu nhập khá. Ảnh: Ngọc Sang

Giá đậu đen xanh lòng năm nay tăng đột biến giúp người dân Phú Thiện có thu nhập khá. Ảnh: Ngọc Sang

Trong khi đó, những năm gần đây, người dân xã Chư A Thai cũng chọn cây đậu đen xanh lòng làm cây trồng chính để cải tạo đất. Chủ tịch UBND xã Siu Tinh cho hay: Cây đậu đen xanh lòng được người dân trong xã đưa vào trồng cách đây khoảng 6 năm, nhưng phát triển mạnh từ năm 2020 trở lại đây. Hiện diện tích đậu đen xanh lòng toàn xã là 145 ha. Việc đưa cây đậu đen vào trồng gối vụ không những mang lại hiệu quả cao mà còn tăng độ phì nhiêu cho đất, giúp cây trồng phát triển tốt, đạt năng suất cao.

Trao đổi với P.V, ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Vụ đậu đen năm nay, toàn huyện gieo trồng 560 ha, tập trung ở các xã: Ia Sol, Chư A Thai, Ia Peng, Ia Piar, Ayun Hạ và Ia Ake. Những năm qua, đậu đen xanh lòng là một trong những loại cây trồng gối vụ được người dân lựa chọn vì đem lại thu nhập ổn định. Đến thời điểm này, bà con đã thu hoạch trên 95% diện tích đậu đen, năng suất ước đạt 1,4 tấn/ha. Đặc biệt năm nay, giá đậu đen cao gấp 2 lần so với năm ngoái, giúp người dân có khoản thu nhập khá.

“Mới đây, một số doanh nghiệp đến khảo sát vùng trồng đậu đen xanh lòng trên địa bàn huyện. Qua đó, doanh nghiệp đã đặt vấn đề với Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi về việc hình thành vùng nguyên liệu trên địa bàn xã Ia Sol với diện tích khoảng 50 ha. Năm tới, doanh nghiệp sẽ đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật canh tác và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường với các thành viên Hợp tác xã. Điều này mở ra hướng đi mới cho địa phương về vấn đề đầu ra, giúp gia tăng hiệu quả kinh tế, tạo nguồn sản phẩm ổn định cho thị trường”-ông Quý khẳng định.

Có thể bạn quan tâm