(GLO)- Tính đến hết năm 2014, TP. Pleiku có 5.082 hộ gia đình nông dân đạt danh hiệu sản xuất-kinh doanh giỏi và hàng ngàn hội viên nông dân tham gia đóng góp ngày công lao động, tự nguyện di dời hàng rào, hiến đất mở đường, góp tiền xây dựng các công trình dân sinh…
Ảnh: Anh Huy |
Nhờ biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật, ông Y Doi (xã An Phú) đã có thể làm giàu trên chính đồng đất ông cha để lại. Với 6 sào đất trước nay chỉ trồng lúa một vụ, năng suất thất thường vì phụ thuộc vào “nước trời”, ông đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau củ các loại. Ông bảo, trồng rau mình có thể chủ động được nguồn nước, người ta có thể gánh nước tưới rau chứ chưa ai gánh nước để tưới cho lúa. Vì vậy, 6 sào đất gia đình ông trồng từ cải bắp, đậu cô ve đến dưa leo,… Thời gian đầu vì chưa có kinh nghiệm, cây phát triển chưa như mong muốn, có lúc rau mất mùa, mất giá, thế nhưng theo ông trồng rau cho năng suất, hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa. Cũng nhờ trồng rau, nuôi thêm heo, bò mà ông Y Doi đã xây được nhà, mua sắm các trang-thiết bị cần thiết trong gia đình và nuôi các con ăn học thành tài.
Cũng chọn cách làm giàu từ cây rau, ông Nguyễn Văn My (xã An Phú) được thành phố hỗ trợ xây dựng 2.000 m2 nhà lưới và áp dụng vào sản xuất trồng cà chua ghép, trồng hoa, cà tím ghép với diện tích trên 1,1 ha. Ông đồng thời xây chuồng để nuôi bò, lấy phân chuồng bón cho cây trồng, vì vậy thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng/năm.
Khác với ông Y Doi, nông dân Lê Quý Tốt (xã Gào) lại chọn cách làm giàu từ cây cà phê. Từ những ngày đầu chập chững làm quen với kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê, từ cách đào hố, tưới nước, ép xanh… đến nay gia đình ông Tốt đang sở hữu 4,5 ha cà phê kinh doanh, mỗi năm thu nhập được 18 tấn cà phê nhân, trừ chi phí còn thu khoảng 500 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động và tạo điều kiện cho một số hộ nông dân thiếu vốn vay để mua phân bón, chăm sóc cà phê với mức lãi suất ưu đãi.
Thời gian qua, Hội Nông dân thành phố đã tạo điều kiện để hội viên từng bước tiếp cận khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, các lớp dạy nghề ngắn hạn, kinh nghiệm sản xuất… Hội còn chủ động liên kết với các ngành, đơn vị, cơ sở sản xuất tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề, tìm hiểu nguyện vọng, tư vấn việc làm, tổ chức dạy nghề cho hội viên và cung ứng lực lượng lao động có tay nghề, kỹ thuật. Nhờ đó, nông dân có thể sử dụng kiến thức, kỹ năng vào hoạt động thực tiễn, tự tạo thêm việc làm, mở rộng sản xuất-kinh doanh và từng bước vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng một số mô hình sản xuất, phát triển nông nghiệp nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, như: hỗ trợ đầu tư sản xuất rau an toàn, nuôi bò cái sinh sản, tái canh cà phê… cùng với nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật khác.
Không chỉ thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, nhiều hội viên nông dân còn tích cực, gương mẫu trong tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đã có hàng ngàn hội viên nông dân tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất mở đường, di dời hàng rào, góp tiền xây dựng các công trình dân sinh... Điển hình như ông Hưn (Trưởng thôn Wâu, xã Chư Á) đã tích cực vận động tuyên truyền người dân trong làng hiến hơn 3.600 m2 đất, đóng góp 1.325 ngày công lao động và trên 56 triệu đồng để đổ đất làm 1.500 mét đường nội đồng, giúp người dân thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra còn nhiều hội viên khác cũng tích cực, gương mẫu trong vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới: Trần Văn Thu (thôn 4, xã Diên Phú), Pyơk (làng Sor, xã Biển Hồ), Puih Buih (làng Thông Yố, xã Ia Kênh)…
Anh Huy