Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân thôn Đoàn Kết thu nhập khá từ nấm rơm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều nông dân thôn Đoàn Kết (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã tận dụng nguồn rơm rạ sẵn có để trồng nấm. Các hộ này cũng liên kết với nhau thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng nấm để hướng tới xây dựng thương hiệu nấm Đồng Tâm.

Ông Nguyễn Nhiệm cho hay: Trước đây, gia đình ông thuê đất trồng 2 ha lúa và 3 ha mì. Quanh năm cần cù lao động nhưng chẳng dư được bao nhiêu. Đang loay hoay với việc chuyển đổi cây trồng, ông được người quen giới thiệu về mô hình trồng nấm rơm có thể cho thu nhập gấp 10 lần trồng lúa, mì. Nắm bắt cơ hội, ông dành hẳn 1 tháng tìm vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ để học nghề trồng nấm, rồi về bắt tay vào sản xuất.

 Ông Nguyễn Nhiệm (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) kiểm tra các mô rơm mới cấy meo giống. Ảnh: A.H
Ông Nguyễn Nhiệm (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) kiểm tra các mô rơm mới cấy meo giống. Ảnh: Anh Huy


Ông Nhiệm cho biết, không phải rơm nào cũng có thể trồng nấm. Muốn nấm đạt năng suất, chất lượng, nguồn rơm phải đảm bảo các yêu cầu như: sợi rơm phải khô, sạch và xử lý tạp chất trong rơm đúng quy trình, ủ cho đủ độ mềm, độ ẩm... mới tiến hành cấy meo giống. Trồng nấm rơm ngoài trời nên việc lựa chọn các vị trí sao cho thoáng mát; nhà nấm cũng phải phủ kín bạt để tránh nắng mưa, giữ đủ độ ẩm thích hợp cho nấm phát triển, không bị nhiễm bệnh. Gia đình ông Nhiệm có 4 sào đất ruộng trước đây trồng lúa giờ dùng để trồng nấm rơm. Vì thiếu nhân lực, đầu ra chưa ổn định, đất trồng nấm cần phải phơi nắng sau mỗi vụ nên ông chỉ trồng luân phiên 2 sào/vụ.

Ông Nhiệm lý giải: “Sau mỗi vụ thu hoạch, các mô rơm phải được dọn sạch sẽ, đất phơi nắng một thời gian để khử các tạp chất, mầm bệnh, nếu không vụ sau nấm dễ bị nhiễm khuẩn, năng suất cũng giảm”. Với 2 sào nấm, hàng ngày, vợ chồng ông phải thức dậy từ 2 giờ sáng và bắt tay vào thu hái đến tận 5 giờ mới kịp mang ra chợ huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa giao cho các tiểu thương. “Gia đình tôi thu 30-35 kg nấm mỗi ngày, giá bán dao động 60-65 ngàn đồng/kg. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi gần 200 triệu đồng”.

Tương tự, nhờ chuyển sang trồng nấm rơm, kinh tế gia đình anh Nguyễn Tấn Minh cũng được cải thiện rõ rệt. Thay vì trồng nấm ngoài ruộng như một số hộ trong thôn, anh Minh tận dụng 3 sào đất vườn ngay bên cạnh nhà để làm trại nấm. Trung bình, gia đình anh thu 40-80 kg nấm/ngày. Theo anh Minh, trồng nấm nhìn thì rất dễ nhưng để đạt năng suất, chất lượng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, từ khâu chọn nguồn rơm đến thu hái. Hơn thế, công việc trồng nấm khá khắt khe về thời gian thu hái nên khó thuê nhân công.

“Trồng nấm cứ như chăm con mọn, phải thức khuya, dậy sớm nhưng bù lại thu nhập cao hơn so với một số loại cây trồng khác. Bình quân mỗi ngày, gia đình tôi thu về khoảng 2 triệu đồng”-anh Minh phấn khởi nói.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Siu Bol-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ma Rơn-thông tin: Mô hình trồng nấm rơm đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân thôn Đoàn Kết. Ngay cả nguồn rơm, trước đây chỉ là phế phẩm giờ cũng trở thành hàng hóa có giá trị, được nhiều người tìm mua, tích trữ. Tuy nhiên, sản phẩm của người dân làm ra mới dừng lại ở việc cung ứng ra các chợ lân cận với số lượng hạn chế mà chưa có đầu ra ổn định. Để giải quyết bài toán này, tháng 3-2020, Hội Nông dân xã đã vận động 10 hộ tham gia Tổ hội nghề nghiệp trồng nấm rơm.

“Trước mắt đã có 3 hộ được vay 90 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện để sản xuất. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các tổ viên, đồng thời tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, hướng đến xây dựng thương hiệu nấm rơm sạch Đồng Tâm”-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ma Rơn cho biết.

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm