Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân thu nhập khá từ cây mè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở huyện Ia Pa thu nhập khá nhờ luân canh cây mè trên diện tích mía và mì bị bệnh, kém năng suất. Với năng suất đạt 6-7 tạ/ha, mỗi héc ta mè cho thu nhập hơn 25 triệu đồng.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa, năm 2020, toàn huyện xuống giống được 430 ha mè. Trong đó tập trung chủ yếu ở xã Pờ Tó 142 ha, Chư Răng 64 ha, ít nhất là Ia Ma Rơn với 6 ha. Hiện nay, hơn 100 ha đã được thu hoạch. Thời điểm mè ra bông, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi nên năng suất đạt 6-7 tạ/ha. Với giá bán 40.000-50.000 đồng/kg, bình quân mỗi héc ta mè sau khi trừ chi phí bà con lãi khoảng 15-18 triệu đồng.
Với kinh nghiệm 7 năm trồng mè, anh Nay Chon (buôn Broăi, xã Ia Broăi) cho biết: Mè là loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn, chịu hạn tốt, chi phí đầu tư thấp trong khi năng suất cao nên rất phù hợp xen canh, tăng vụ. Vụ này, gia đình anh trồng 2 ha mè. Nhờ thời tiết thuận lợi cùng với sự đầu tư chăm sóc, diện tích mè của anh đạt năng suất khoảng 7 tạ/ha. Với giá bán hiện tại 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh thu khoảng 18 triệu đồng/ha.
Sau khi thu hoạch, mè được phơi khô rồi đập lấy hạt. Ảnh: Nguyên Hương
Sau khi thu hoạch, mè được phơi khô rồi đập lấy hạt. Ảnh: Nguyên Hương
Theo anh Chon, trước khi xuống giống, anh đào những mương nhỏ chạy dọc theo ruộng để thuận lợi cho việc tưới thấm và thoát nước. Sau khi xuống giống 25-30 ngày, mè bắt đầu trổ bông. Khi lá mè chuyển từ xanh sang vàng và bắt đầu rụng là lúc có thể thu hoạch. Sau khi cắt, mè được bó thành từng bó nhỏ, phơi khô khoảng 5 ngày, sau đó đập lấy hạt. Gặp nắng nhiều, hạt mè có màu sáng, đẹp, không bị nấm mốc bán sẽ được giá. Thân cây mè giúp cải tạo đất, đồng thời, sau khi luân canh cây mè, đất đai tránh được vòng đời sâu bệnh phát triển, giúp cây trồng chủ lực như: mía, mì ở vụ tiếp theo phát triển tốt.
Tương tự, chị Lê Thị Quỳnh Trang (thôn 4, xã Pờ Tó) cho hay: Vụ mùa năm nay, gia đình chị xuống giống 30 ha mè. Diện tích này trước đây trồng mía và mì. Tuy nhiên, sau một thời gian canh tác, 2 loại cây trồng này bị sâu bệnh. Do đó, gia đình chị quyết định luân canh cây mè để cải tạo đất, ngăn sâu bệnh phát triển. Theo chị Trang, ưu điểm lớn nhất của cây mè là dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, thời gian sinh trưởng ngắn nên rất phù hợp để tăng vụ. Chị chia sẻ: “Với diện tích mè đang canh tác, tôi có lợi thế từ hệ thống tưới nước tự động đầu tư sẵn trên diện tích mía nên khắc phục được tình trạng nắng nóng kéo dài, cây mè phát triển thuận lợi hơn. Tuy năng suất bình quân chỉ đạt 5-6 tạ/ha nhưng nhờ bán sớm được giá 45.000 đồng/kg, mỗi héc ta sau khi trừ chi phí gia đình tôi lãi trên 15 triệu đồng”. Với vai trò là Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Tiến (xã Pờ Tó), chị Trang đã liên hệ với một số công ty nhằm bao tiêu sản phẩm cho bà con nhưng do diện tích cây trồng rải rác, không cùng thời điểm thu hoạch nên sản lượng không đủ để công ty đưa xe đến thu mua. 
Cũng theo chị Trang, đầu ra chưa ổn định, giá bán phụ thuộc vào thương lái là những yếu tố bất lợi khiến bà con nông dân chưa dám mạnh dạn đầu tư trồng mè trên diện rộng. Còn ông Nguyễn Minh Thái-Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Tó-cho hay: Tuy chịu hạn tốt, nhưng nếu trong vòng 15-20 ngày đầu sau khi gieo nếu không đảm bảo đủ nước tưới thì cây mè sẽ kém phát triển. Mè là loại cây thân rỗng nên nếu trời không mưa thì bắt buộc phải tưới béc về đêm để cung cấp đủ độ ẩm cho cây. Chính vì vậy trồng mè trên quy mô lớn đòi hỏi một khoản đầu tư đáng kể.
Đánh giá về tiềm năng phát triển cây mè trên địa bàn huyện, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Trần Văn Hùng nhìn nhận: Tuy không phải là cây trồng chủ lực của địa phương nhưng với nhiều ưu điểm vượt trội, cây mè rất thích hợp để tăng vụ, đem lại nguồn thu nhập tương đối cho người dân, đồng thời tạo việc làm cho lao động thời vụ. Tuy nhiên, vì chưa có đầu ra ổn định nên bà con cần nghiên cứu kỹ trước khi nhân rộng.
NGUYÊN HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm