Kinh tế

Nông dân trồng mía "thiệt đơn-thiệt kép"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau bài viết “Nông dân An Khê lấy đường cấn nợ...”, phóng viên Báo Gia Lai tiếp tục tìm hiểu và biết được tình trạng nông dân lấy đường cấn nợ đối với Công ty cổ phần Đường Bình Định vẫn còn diễn ra ở các huyện: Đak Pơ, Kông Chro, Kbang. Điều đáng nói là hiện Công ty đã dừng việc thanh toán bằng đường nhưng lại ép giá mía xuống chỉ còn 870 đồng/kg. Cùng với đó, Công ty hứa sẽ trả bằng tiền mặt nhưng không biết đến lúc nào người dân mới được nhận tiền để thanh toán các khoản đầu tư cũng như trang trải chi tiêu khi Tết Nguyên đán đã cận kề.

Trả đường trên giấy?
 

Mặc dù Công ty còn nợ 1,5 tỷ đồng chưa biết khi nào trả nhưng Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Trung vẫn phải thu hoạch mía bán cho Công ty. Ảnh: Hồng Thương
Mặc dù Công ty còn nợ 1,5 tỷ đồng chưa biết khi nào trả nhưng Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Trung vẫn phải thu hoạch mía bán cho Công ty. Ảnh: Hồng Thương

Anh Nguyễn Ngọc Phụng (tổ 1, phường An Phước, thị xã An Khê) cho biết: “Năm nay, ông Tường (Phan Lâm Tường-Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Bình Định-P.V) có đưa ra bản cam kết rằng, trong vòng 3 ngày sau khi nông dân nhập mía sẽ có tiền nhưng tôi chỉ nhận được tiền sau khi nhập xe mía đầu tiên, còn gần 20 xe mía sau thì không nhận được đồng tiền nào. Công ty còn đưa ra một chiến lược trả tiền mía bằng đường với giá 11.100 đồng/kg và chúng tôi bán lại cho tư thương 10.900 đồng/kg. Để có tiền trang trải các khoản chi, chúng tôi đã chấp nhận chịu lỗ để lấy đường. Tuy nhiên, điều tôi bức xúc nhất là thà tôi được trực tiếp nhận đường và bán ra cho các đại lý khác nhưng nay chính ông Tường lại đứng ra thu mua đường luôn. Vậy, có phải Công ty đã có một sự xếp đặt bắt buộc để người dân phải chịu thiệt thòi trong chuyện vừa bán lỗ đường, vừa bán lỗ mía”...

Bà Nguyễn Thị Hoa-một trong những đại lý thu mua mía bán cho Công ty ở phường Ngô Mây cũng bức xúc: “Nói chung là người trong công ty xuất đường ra rồi người trong công ty mua đường lại. Còn chúng tôi phải chịu lỗ 2 hào, tức là 100 triệu đồng lỗ 2 triệu đồng. Mà bây giờ nhà máy cũng không xuất đường ra nữa và nói để giải quyết bằng tiền nhưng lại hạ giá mía xuống đến 4 hào mà tiền thì không đưa. So ra, nhà máy đường không thiệt mà chỉ có đại lý thu mua mía như chúng tôi mới bị thiệt thòi”. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Phụng (phường Ngô Mây) cũng cho hay: “Thực tế, chúng tôi không vào lấy đường được mà chỉ ký vào giấy biên nhận là lấy đường giá 11.100 đồng. Sau đó bán trên giấy 10.900 đồng/kg để đại lý trực tiếp vào nhận đường”. Để làm rõ vấn đề một cách khách quan, chúng tôi đã trực tiếp đến Công ty (nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn-Bình Định) để trao đổi các thông tin liên quan nhưng lãnh đạo Công  ty đã từ chối với lý do bận việc.

Khổ chồng khổ...

 

Dù không biết khi nào được trả tiền mía nhưng nông dân vẫn chở mía về bán cho Công ty vì không biết bán mía vào đâu…
Dù không biết khi nào được trả tiền mía nhưng nông dân vẫn chở mía về bán cho Công ty vì không biết bán mía vào đâu… Ảnh: Hồng Thương

Bên cạnh việc không được thanh toán tiền mía, trong khi năng suất niên vụ mía năm nay tại các huyện phía Đông tỉnh đạt thấp. Ngoài diện tích mía trồng mới đạt 70 tấn-90 tấn (chủ yếu tại Kông Chro), diện tích mía vụ 2, vụ 3 chỉ đạt 50-60 tấn. Ông Thiều Kim Chung-Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Trung (Hội Cựu chiến binh huyện Đak Pơ), cho biết năm nay, hợp tác xã trồng 250 ha mía nhưng do hạn hán nên năng suất chỉ đạt 50 tấn/ha. Đến nay, đã thu hoạch được 40 ha và nhập hết cho Công ty cổ phần Đường Bình Định. Ngoài một số mía đã được thanh toán bằng đường, hiện Công ty còn nợ hợp tác xã 1,5 tỷ đồng và chưa biết khi nào mới được trả. Còn hợp tác xã thì mỗi tháng phải trả 6,3 triệu đồng tiền lãi ngân hàng vay nợ đầu tư trồng mía.

Không những thế, hiện nay Công ty còn ép giá xuống còn 870 đồng/kg đối với mía 10 chữ đường và trừ tạp chất khá cao với lý do mía thu hoạch còn non. Ông Nguyễn Văn Phụng nhẩm tính: “Với mức giá này cùng việc trừ chi phí tạp chất cao, tiền công lao động tăng thì mía sau khi được chở từ ruộng về Công ty chỉ còn 450-500 đồng/kg. Trong khi đó, một ha mía được đầu tư trồng trung bình 25-30 triệu đồng, nếu trừ chi phí ra nông dân sẽ bị lỗ 10-15 triệu đồng/ha”.

Ngoài ra, để đưa được một xe mía từ ruộng về Công ty, người dân còn phải bấm bụng đóng một khoản chi phí vận chuyển. Bà H. (phường Ngô Mây) tiết lộ: “Mỗi xe mía của tôi đi từ Kông Chro về Bình Định phải mất 1,5-2 triệu đồng”. Còn ông T.T.M. (xã Tú An) bức xúc: “Xe tôi đi từ An Khê về Bình Định phải mất 1,5 triệu đồng. Để có tiền trang trải cho khoản phí này, tôi buộc phải tăng cước chở mía từ 100.000 đồng lên 140.000 đồng/tấn mía. Như vậy, thiệt thòi cho nông dân mình quá”.

Ai bảo vệ quyền lợi cho nông dân?

 

Anh Nguyễn Ngọc Phụng trao đổi với phóng viên về hợp đồng bán mía giữa gia đình với Công ty. Ảnh: Hồng Thương
Anh Nguyễn Ngọc Phụng trao đổi với phóng viên về hợp đồng bán mía giữa gia đình với Công ty. Ảnh: Hồng Thương

Theo hợp đồng ký giữa Công ty cổ phần Đường Bình Định với nông dân nêu rõ: “Tiền bán mía sẽ được thanh toán sau khi đã khấu trừ một phần hay toàn bộ số tiền đầu tư, ứng trước trong vòng 3 ngày sau khi giao mía bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản”. Ngay tại các trạm thu mua mía của Công ty cũng có dán giấy thông báo với nội dung: “Công ty thanh toán tiền mía cho nông dân sau 3 ngày đã nhập mía bán cho Công ty”. Tuy vậy, sau khi bán mía 3 ngày, hầu hết các hộ dân đều không được thanh toán bằng tiền mặt và sau đó được thanh toán bằng đường. Và hiện tại, Công ty ngừng trả nợ bằng đường, còn nông dân không biết đến khi nào mới nhận được tiền mía đã bán. Đã thế, họ còn buộc phải tiếp tục thu hoạch mía bán cho Công ty với lý do: “Không biết bán đi đâu và nếu mía để lâu sẽ bị cháy khi mùa khô đến”.

Trước thực tế đó, UBND các huyện, thị xã đã yêu cầu Công ty có trách nhiệm trong việc thu mua nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như ổn định đời sống cho nông dân. Qua đó để tạo điều kiện cho người dân gắn bó lâu dài với cây mía trong vùng nguyên liệu đã được quy hoạch. Tuy nhiên, việc thu mua mía với nhiều bất ổn trong thời gian qua ít nhiều đã xói mòn niềm tin của nông dân vào cây mía. Anh Nguyễn Ngọc Phụng than thở: “Thật sự là đời sống của những người bán mía cho Công ty cổ phần Đường Bình Định đang rất khốn đốn. Bây giờ, chúng tôi như đang ở giữa sông và không biết nên bơi ra hay bơi vào. Nếu không có một giải pháp nào đó để bà con nông dân phát huy được cây mía thì trước sau gì chúng tôi cũng phải phá hết mía để trồng rau màu khác. Thật sự, cây mía hôm nay là cây mía đắng chứ không còn là cây mía ngọt nữa”!.  

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm