(GLO)- 2 lô hàng nông sản đầu tiên của Gia Lai là cà phê và chanh dây đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Sự kiện này mở ra cơ hội lớn, tạo sự gắn kết sâu rộng vào thị trường toàn cầu đối với ngành hàng nông sản của Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng.
Thực hiện Hiệp định EVFTA, ngày 16-9, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức lễ xuất khẩu cà phê đi châu Âu do Công ty TNHH Vĩnh Hiệp thực hiện và lễ xuất khẩu chanh dây đi châu Âu do Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) thực hiện. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên, đại diện đại sứ quán một số nước thành viên EU tại Việt Nam và lãnh đạo các bộ ngành Trung ương.
Xóa bỏ thuế xuất khẩu sang châu Âu
EVFTA là 1 trong 14 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết và có hiệu lực trên thực tế. Trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, gần như toàn bộ 100% biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, đây là cơ hội để gắn kết sâu rộng vào thị trường toàn cầu có giá trị, chất lượng cao; đồng thời mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng lãnh đạo tỉnh Gia Lai phát lệnh xuất phát xe chở hàng xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Ảnh: Đức Thụy |
Theo thống kê sơ bộ, sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Hiện đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, với sự tích cực, chủ động của các ngành, sự hợp tác chặt chẽ của đối tác quốc tế và các nước thành viên EU, việc triển khai Hiệp định EVFTA diễn ra khá đồng bộ, tạo xung lực mới cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và PTNT cam kết ủng hộ các doanh nghiệp, địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn.
“Cú hích” để tiến vào thị trường khó tính
Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: Hàng năm, Vĩnh Hiệp xuất khẩu từ 50 ngàn đến 70 ngàn tấn cà phê các loại ra thị trường thế giới, trong đó, 60% xuất sang thị trường châu Âu, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD.
“Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê đầu tiên của Việt Nam có được vinh dự này khi xuất khẩu những lô hàng cà phê sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Hôm nay, chúng tôi đã ký xuất 14 container với 296 tấn cà phê sang Đức và Bỉ. Chúng tôi tự tin tạo ra cơ hội tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; tự tin đủ năng lực để đáp ứng mọi nhu cầu và tiêu chuẩn phù hợp theo Hiệp định EVFTA”-ông Thái Như Hiệp chia sẻ.
Lễ cắt băng công bố xuất khẩu lô hàng chanh dây sang thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Ảnh: Vũ Thảo |
Còn ông Đinh Cao Khuê-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thì cho hay: “Từ khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản của Công ty khi xuất sang EU đã được hưởng mức ưu đãi thuế quan rất thấp. Cụ thể như mặt hàng chanh dây cô đặc xuất sang Hà Lan, đối tác của chúng tôi sẽ được cắt giảm mức thuế nhập khẩu từ 7,5% về 0%. Chúng tôi cho rằng, đây vừa là cơ hội để Công ty đẩy mạnh xuất khẩu, vừa là động lực để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các mặt hàng của đơn vị. Hiệp định EVFTA đã tạo điều kiện cho DOVECO cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu tại các nước có cùng vị trí địa lý như các nước Đông Nam Á là Thái Lan, Philippines, Malaysia và các nước có cùng điều kiện khí hậu ở Nam Mỹ như: Peru, Ecuador, Costa Rica...”.
Mặc dù mở ra cơ hội mới nhưng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Hiệp định EVFTA cũng sẽ đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho ngành nông sản nói chung. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực với những cam kết sâu rộng và toàn diện.
“Để ngành nông sản ngày một mở rộng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế, tôi đề nghị các doanh nghiệp và địa phương, trong đó có Gia Lai tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy chế biến sâu, tham gia liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân sản xuất đúng quy trình, đảm bảo an toàn thực phẩm, các sản phẩm được chứng nhận theo yêu cầu của EU; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, tuân thủ các quy định của pháp luật về giống, vật tư nông nghiệp và sở hữu trí tuệ để các sản phẩm nông sản được phát triển bền vững, hiệu quả tại địa phương mình”-Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
VŨ THẢO