Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Nông sản ngoại 'lấn sân' thị trường Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật Bản… được thị trường trong nước ưa chuộng, mặc dù có mặt hàng giá cao ngất ngưởng. Các quốc gia nhận định thị trường Việt Nam rất tiềm năng cho nông sản và họ đã tổ chức hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại để gia tăng xuất khẩu.
Trái cây nhập khẩu bày bán tại siêu thị Go! Gò Vấp.

Trái cây nhập khẩu bày bán tại siêu thị Go! Gò Vấp.

Tăng trưởng tốt

Vừa nghe điện thoại vừa ghi đơn hàng cho khách, chị Ngô Thị Hồng Oanh (đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, TPHCM, chuyên bán các mặt hàng trái cây nhập khẩu) cho hay, cherry, táo, mận nhập từ Mỹ, Italy, New Zealand… đều bán rất chạy. “Loại nào cũng vài trăm ngàn đồng/kg, nhưng khách vẫn mua ào ào. Không riêng TPHCM, nhiều đơn hàng 300-400kg gửi đi các tỉnh vẫn đều đặn mỗi tuần”, chị Oanh cho biết. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Triều (đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TPHCM, chuyên kinh doanh nông thủy sản), chia sẻ, nhiều mặt hàng nhập khẩu như thịt bò Nhật Bản, trứng cá tầm, cồi sò điệp, bào ngư Australia tiêu thụ khá tốt; sức mua 2 tháng nay tăng từ 10%-30% so với các tháng trước… Theo ông Võ Tấn Thành, Chủ tịch HĐQT siêu thị Nam An, nhiều nông sản nhập ngoại, nhất là các sản phẩm trái cây ngoại rất được thị trường trong nước ưa chuộng, nhập khẩu về bán trong thời gian ngắn là hết hàng.

Thống kê từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho thấy, Việt Nam nhập khẩu rau quả trong năm 2022 ước đạt trên 2 tỷ USD, tăng đến 35% so với năm 2021, tương đương 543 triệu USD. Riêng tính từ đầu năm đến ngày 15-6, nông sản nhập khẩu từ các nước qua kiểm dịch thực vật đạt hơn 22 triệu tấn, trong đó quả tươi nhập khẩu hơn 600.000 tấn. Trong đó, đối với thị trường Australia, nước ta đang đứng thứ 7 trong số các nước nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp, lâm sản, thủy sản. Thời gian qua, Australia đã xuất khẩu rất nhiều loại trái cây tươi như nho, đào, cam, quýt, táo sang Việt Nam. Theo Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, năm 2022, nước này đã xuất khẩu trái cây tươi trị giá hơn 110 triệu AUD (74 triệu USD) sang Việt Nam. Ngoài ra, Australia còn thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại gắn với các sự kiện lớn về thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam, điển hình như sự kiện Food and Hotel Vietnam. Hàng năm, Chính phủ Australia tài trợ chương trình “Taste of Australia” nhằm giới thiệu các món ăn và đồ uống đẳng cấp thế giới của họ, thực hiện nhiều khuyến mãi tại các hệ thống siêu thị MM Mega Market, An Nam Gourmet và WinMart.

Báo cáo tháng 6-2023 của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn vừa được công bố, Việt Nam đã chi khoảng 5,8 triệu USD (5 tháng đầu năm) để nhập khẩu rau quả từ châu Âu, tăng 98,6% so với tháng 5-2022 và cao hơn 1,7 triệu USD so với bình quân tháng của năm 2022. Trong đó, dẫn đầu là khoai tây với 1,7 triệu USD, tăng 77,9%; cherry 0,34 triệu USD, cao gấp 44,5 lần so với tháng 5-2022...

Thị trường tiềm năng

Mới đây, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam đã có buổi xúc tiến, quảng bá trái cây của đất nước này ở Trung tâm thương mại Vincom Center Landmark 81 (TPHCM), thu hút nhiều đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp lớn trên địa bàn TPHCM tham dự. Đại diện các hệ thống siêu thị như Aeon Mall, Central Retail (sở hữu BigC, Go!…) nhìn nhận sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu bán khá chạy. Nguyên do được nhận định là người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và nhóm gia đình trẻ chi trả nhiều hơn cho thực phẩm sạch, có nguồn gốc hữu cơ cho con cái của họ.

Khách mua hàng nhập từ Nhật Bản tại siêu thị Ribeto Gyomu, quận 3, TPHCM. Ảnh: THI HỒNG

Khách mua hàng nhập từ Nhật Bản tại siêu thị Ribeto Gyomu, quận 3, TPHCM. Ảnh: THI HỒNG

Theo Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, nước ta đang nhập khẩu chính ngạch táo, kiwi, cherry, việt quất, hồng, mơ... Tuy chưa có số liệu thống kê chi tiết, nhưng thực tế cho thấy trái cây nhập khẩu từ nước này được ưa chuộng và tăng dần trong thời gian gần đây. Hiện nay, các công ty nhập khẩu cũng liên tục làm thủ tục giấy phép xin nhập khẩu các sản phẩm mới từ New Zealand. Tương tự, thông tin từ Hiệp hội trái cây Mỹ tại Việt Nam, nước ta là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 về táo, nho của Mỹ… Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản, nếu vài năm trước, các sản phẩm trái cây ngoại chỉ mua tại hệ thống siêu thị lớn thì nay dễ dàng mua được ở cửa hàng, chợ truyền thống, siêu thị nhỏ. Không chỉ nhập khẩu từ các thị trường có thế mạnh về nông sản lâu nay như Australia, New Zealand, Mỹ, Việt Nam còn nhập khá nhiều trái cây từ Nhật Bản (quýt Mikan, nho Mẫu đơn, quýt chum Sunmo, đào Momo, xoài Ruby), Hàn Quốc (nho sữa, dưa lê, lê nâu, cà chua mật ong)…

Theo các chuyên gia nông nghiệp, thời gian qua, một số mặt hàng nông sản Việt Nam đã từng bước chinh phục thị trường quốc tế, nhưng ở chiều ngược lại, mặt hàng nông sản trung và cao cấp từ các nước cũng cấp tập đổ vào Việt Nam thông qua những chương trình xúc tiến, hợp tác thường xuyên, liên tục… của đại diện các nước tại Việt Nam. Về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, muốn cạnh tranh với hàng ngoại nhập, lấy lòng người tiêu dùng trong nước, sản phẩm Việt cần gia tăng chất lượng, mẫu mã để bắt kịp thị hiếu khách hàng.

Ông BENJAMIN PETLOCKM, Tùy viên nông nghiệp cấp cao của Tổng Lãnh sự Mỹ tại TPHCM: "Tới đây, Mỹ sẽ xuất khẩu bưởi chùm (hoàn toàn mới) sang Việt Nam. Hai nước đang đàm phán để giao thương nhiều mặt hàng khác, trong đó Mỹ sẽ xuất khẩu đào, mận qua Việt Nam. Hơn 5 năm trước, Việt Nam là thị trường nhập khẩu đứng thứ 12 của Hoa Kỳ, còn hiện tại đã vươn lên thứ 8 trong số các nước nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp Mỹ. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam rất tiềm năng"

Có thể bạn quan tâm