Kinh tế

Nông nghiệp

Nông sản Việt Nam có mặt trên 186 quốc gia và vùng lãnh thổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 28-4, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về "Thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021" do Bộ NN-PTNT tổ chức.

Tham dự hội nghị có ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT; ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH-CN, cùng lãnh đạo các địa phương và 150 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp...

Theo TS Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT): Hiện cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản quy mô công nghiệp, có gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Ước tính mỗi năm có khả năng chế biến, sơ chế, bảo quản khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông - lâm - thủy sản. Hiện Việt Nam có 8 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD gồm: rau quả, hạt điều, gạo, cà phê, cao su, tôm, gỗ, cá tra. Sản phẩm nông sản của Việt Nam có mặt trên 186 quốc gia và vùng lãnh thổ.


 

 Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị



Tại hội nghị, các báo cáo tham luận đã đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường nông sản. Đáng chú ý, theo thống kê của FAO, gần một nửa (45%) sản lượng thu hoạch nông sản của thế giới bị hao hụt trên đường đến tay người tiêu dùng.

Nguyên nhân chính là do sâu bệnh hoặc điều kiện bảo quản không tốt, khiến sản phẩm bị thối rữa hoặc hao hụt trọng lượng. Trong gần một, hai thập niên qua, nền nông nghiệp Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh, tuy vậy tồn tại lớn nhất vẫn là mức tổn thất sau thu hoạch còn cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp thấp và còn tiềm ẩn rủi ro về an toàn thực phẩm.

Do vậy, định hướng thúc đẩy phát triển công nghiệp bảo quản chế biến nông - lâm - thủy sản trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu.


 

 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thăm một gian hàng trái cây bên lề hội nghị
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thăm một gian hàng trái cây bên lề hội nghị



PGS.TS Phạm Anh Tuấn (Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) cho rằng: Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ với quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường, phù hợp với đặc thù và lợi thế so sánh của các vùng miền, tạo môi trường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hệ thống chuỗi logistic.

Mặt khác, cần có cơ chế chính sách đặc thù nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI đầu tư vào các công nghệ nền trong lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản là trung tâm kết nối các nhà sản xuất và phân phối theo chuỗi giá trị.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt: “Bộ KH-CN sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hỗ trợ việc bảo hộ và khai thác các tài sản sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm nông sản. Đến thời điểm này, Cục Sở hữu trí tuệ đã bảo hộ 81 sáng chế, giải pháp hữu ích, 101 chỉ dẫn địa lý; 646 nhãn hiệu chứng nhận và 1.407 nhãn hiệu tập thể cho nông sản Việt Nam. Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về truy xuất nguồn gốc; xây dựng cổng thông tin quốc gia về truy xuất nguồn gốc, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm nông sản".

"Bộ mong muốn tiếp tục có sự đồng hành, hỗ trợ mạnh mẽ của Bộ NN-PTNT và các địa phương trong vùng cũng như sự hưởng ứng và tham gia tích cực của đội ngũ các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể của hoạt động nghiên cứu; và các doanh nghiệp là động lực của sự phát triển, là trung tâm của hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết. 

Theo CAO PHONG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm