TN - Đất & Người

'Nóng' tình trạng lấn chiếm đất rừng tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy diễn biến phức tạp trên lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông (Công ty Lâm nghiệp Krông Bông).
Lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông ở khu vực giáp ranh giữa ba huyện là Ea Kar, M’Đrắk, Krông Bông là một trong những “điểm nóng” về phá rừng và lấn chiếm đất rừng trong thời gian qua.

Mặc dù, chính quyền địa phương và chủ rừng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn chưa thể “hạ nhiệt” tình hình. Trong khi đó, việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra ngày càng tinh vi, âm ỉ kéo dài khiến tài nguyên rừng luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại.

Trung bình hơn 30 vụ phá rừng mỗi tháng

Công ty Lâm nghiệp Krông Bông được giao quản lý bảo vệ 24.450 ha rừng và đất rừng, lâm phần trên địa bàn huyện Krông Bông tiếp giáp với các huyện Ea Kar, M’Đắk (Đắk Lắk) và huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa).

Theo thống kê, tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2024, Công ty Lâm nghiệp Krông Bông phát hiện và lập hồ sơ 478 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó, có 341 vụ phá rừng với diện tích 90,819 ha; 118 vụ lấn, chiếm rừng trái phép với diện tích 44,520 ha. Đây là những con số đáng báo động về tình hình phá rừng trên lâm phần do công ty quản lý.

Ngày 15/11, phóng viên TTXVN “theo chân” lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Phân trường Chư Hoa (Công ty Lâm nghiệp Krông Bông) tiếp cận điểm giáp ranh giữa lâm phần của công ty với các huyện Ea Kar, M’Đắk. Đây là một trong những “điểm nóng” về phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong thời gian qua.

Cây rừng bị đốn hạ tại tiểu khu 1138, lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông.

Ghi nhận của phóng viên tại tiểu khu 1138 (khu vực quản lý của Phân trường Chư Hoa), một mặt của ngọn đồi ở khu vực giáp ranh với huyện Ea Kar, M’Đắk đã bị phá bỏ hoàn toàn để trồng các loại cây hoa màu. Băng qua những ngọn đồi lân cận, nhiều cây rừng cũng bị cưa hạ, đốt trụi, khoảnh trống của những cây rừng bị thay thế bằng các loại cây ngắn ngày.

Ông Nguyễn Văn Dược, nhân viên Phân trường Chư Hoa cho biết, việc phá rừng, trồng cây hoa màu được người dân thực hiện vào ban đêm và sáng sớm. Việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra trong thời gian dài, mỗi ngày phá và lấn chiếm một ít. Để tiếp cận được tiểu khu 1138, lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải di chuyển hơn 20 km, kết hợp nhiều phương thức di chuyển như xe máy, đi thuyền và đi bộ đường rừng… với tổng thời gian gần nửa ngày. Địa hình phức tạp, di chuyển khó khăn, lực lượng mỏng nên việc tuần tra, truy quét vào ban đêm là rất khó khăn. Lợi dụng tình hình trên các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng thường tổ chức phát, dọn, trồng tỉa… vào ban đêm hoặc sáng sớm, những thời điểm mà lực lượng chức năng khó tiếp cận hiện trường.

Một khoảnh rừng tại tiểu khu 1138, lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông bị phá để chiếm đất sản xuất.

Theo ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Lâm nghiệp Krông Bông: Tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong năm 2024 diễn biến rất phức tạp, trung bình mỗi tháng xảy ra trên 30 vụ phá rừng, hầu hết là những vụ phá rừng nhỏ lẻ, nhằm từng bước lấn, chiếm đất rừng làm nương rẫy. Điều này hình thành những khoảnh rừng nhỏ bị phá, lấn chiếm như “da báo” trên lâm phần công ty quản lý. Dự báo, trong thời gian tới, tình trạng trên vẫn diễn biến phức tạp và khó lường.

Quá trình xử lý các vụ việc phá rừng cho thấy, hành vi phá rừng ngày càng tinh vi, có tổ chức, chủ yếu diễn ra vào ban đêm; bố trí người cảnh giới, dùng bộ đàm cảnh báo cho đồng bọn tẩu thoát khi phát hiện lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Các đối tượng thường phá cây nhỏ trước, đến mùa khô dùng lửa đốt làm cây lớn chết; dùng hóa chất bỏ vào gốc cây cho rừng cây chết; phá bằng cưa điện không tiếng ồn… Các hành vi gây nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng trong mật phục, phát hiện và ngăn chặn hành vi phá rừng. Do đó, từ đầu năm đến nay, công ty đã lập hồ sơ, xử lý 478 vụ vi phạm lâm luật nhưng chỉ bắt quả tang 27 đối tượng, thu được 29 tang vật, ông Bùi Quốc Tuấn cho biết thêm.

Tài nguyên rừng trước nguy cơ bị xâm hại

Các đối tượng thường phá rừng diện tích nhỏ, lẻ sau đó đốt cháy cây rừng để chiếm đất sản xuất.

Mặc dù diện tích rừng bị phá trong mỗi vụ không lớn nhưng số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng tăng cao và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Người dân càng tìm mọi cách để phá rừng, làm nương rẫy thì chủ rừng càng gặp khó khăn trong quản lý, bảo vệ. Thực tế này khiến tài nguyên rừng luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại.

Theo ông Bùi Quốc Tuấn, lâm phần của công ty có gần 200 lán trại của người dân đã sinh sống từ những năm 1997, 1998 và có 40 thôn, buôn thuộc ba huyện Krông Bông, Ea Kar, M’Đắk nên áp lực xâm hại đến tài nguyên rừng là rất lớn. Trước tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, công ty huy động tối đa lực lượng từ 6 phân trường và 1 đội cơ động có mặt ở những “điểm nóng” nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ rừng. Trong thời gian tới, công ty hướng đến thành lập các chốt chặn trong rừng tại những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Một mặt của ngọn đồi thuộc tiểu khu 1138, lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông bị “cạo trọc” để làm nương rẫy.

Theo Hạt phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông Hoàng Quốc Thư, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với chủ rừng cùng các lực lượng trên địa bàn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là trên lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Krông Bông quản lý. Qua đó, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc xâm hại tài nguyên rừng. Lực lượng liên ngành cũng triển khai nhiều biện pháp như chốt chặn, mật phục, truy quét đối tượng… Tuy nhiên, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến phức tạp.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, ngoài những nguyên nhân trên thì tài nguyên rừng cũng chịu “áp lực” từ việc người dân sinh sống gần rừng tìm kiếm đất ở, đất canh tác. Trong khi đó, năng lực quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng vừa thiếu, vừa yếu dẫn đến tình trạng rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm và khó khăn trong việc xử lý.

Những ngọn đồi tại tiểu khu 1138, lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông bị phá và lấn chiếm trồng cây ngắn ngày.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước diễn biến phức tạp về tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đơn vị đã điều động lực lượng kiểm lâm ở khu vực ít có nguy cơ tăng cường cho những “điểm nóng” ở huyện Ea Kar, M’Đrắk, Krông Bông; tham mưu các văn bản chỉ đạo chủ rừng, UBND các huyện thành lập các đoàn liên ngành để chốt chặn, mật phục và truy quét đối tượng ở những địa bàn xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Các đội kiểm lâm cơ động cũng phối hợp với các Hạt Kiểm lâm địa bàn tăng cường nắm bắt tình hình, phối hợp với chủ rừng phát hiện, ngăn chặn và lập hồ sơ xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm lâm luật trên địa bàn.

Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long thông tin, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, chính quyền địa phương đã thành lập các lực lượng liên ngành, tổ chức tuần tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật; kết hợp với các lực lượng tại huyện Ea Kar, M’Đrắk bám, nắm địa bàn, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Đặc biệt, trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán sắp tới, các lực lượng của huyện sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.

Theo Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm