Dẫn chúng tôi tham quan khu vực sản xuất tại Làng Nấm Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), chị Phạm Minh Hoa, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH Nấm Đà Lạt, say sưa giới thiệu quy trình nghiên cứu, nuôi trồng, thử nghiệm nhiều giống nấm bản địa và ngoại nhập. "Mục tiêu của công ty là phổ cập loại thực phẩm dinh dưỡng này đến đông đảo người tiêu dùng trong nước nhanh nhất có thể" - chị Hoa cho biết.
Trồng nấm trên giá thể lên men
Hơn 10 năm trước, khi đang hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, chị Hoa có cơ hội làm việc với một số giáo sư đầu ngành ở Nhật lẫn Việt Nam trong một dự án nghiên cứu về vi sinh và nấm trên đồng ruộng. Dự án không thành, các giáo sư khuyến khích chị trồng nấm vì đây là nguồn thực phẩm của tương lai.
Khoảng năm 2012, chị Hoa chính thức gắn việc nghiên cứu với trồng nấm. "Trồng nấm rất khó, đòi hỏi kỹ thuật cao và rất nhiều rủi ro. Có giai đoạn, 3 năm liền không nuôi được cây nấm nào nhưng tôi quyết không bỏ cuộc, đến nay thì mọi thứ đã ổn" - chị nhớ lại.
Mất hơn 10 năm tìm hiểu và thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tìm ra công thức trồng nấm trên giá thể lên men, giúp nấm thành phẩm giàu dinh dưỡng, giàu hoạt chất và có hương vị giống nấm tự nhiên đến 90%.
"Nguyên liệu làm giá thể trồng nấm gồm bã mía trong công nghiệp mía đường, đài và hạt bông là phế liệu trong sản xuất bông vải, mùn cưa gỗ cao su được ủ hoai mục bằng công nghệ lên men trong vòng 30-100 ngày, tạo ra một loại giá thể giàu dinh dưỡng, hoàn toàn hữu cơ. Đây là thức ăn ưa thích của các loại nấm. Để tăng giá trị dinh dưỡng cho nấm, công ty còn trộn cám lúa mì và cám gạo vào nguyên liệu ủ" - chị Hoa tiết lộ.
Đến nay, không chỉ chị Hoa mà các nhà khoa học Nhật Bản lẫn Việt Nam đều rất tự hào khi đã làm chủ được công nghệ lên men rác thải thành giá thể hữu cơ giàu dinh dưỡng để trồng nấm.
Những giá thể này sau khi "hoàn thành nhiệm vụ" sẽ tiếp tục được sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. "Tất cả rau củ, hoa trái trong Làng Nấm Đà Lạt đều được bón bằng thứ "rác" này nên cây nào cũng tươi tốt, đậm vị" - chị Hoa giới thiệu.
Chị Phạm Minh Hoa (bên phải) hướng dẫn công nhân thu hoạch nấm hoàng kim tại trang trại |
Lan tỏa giá trị sản phẩm Việt
Ban đầu, nấm làm ra được chế biến để xuất khẩu sang Nhật. Với mong muốn giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước sản phẩm chất lượng cao, tốt cho sức khỏe, từ đầu năm 2020, Làng Nấm Đà Lạt mở cửa cho khách tham quan, trải nghiệm hái nấm, thưởng thức một số món được chế biến từ nấm tươi và rau hữu cơ hái trong vườn.
Tại đây, du khách được tìm hiểu quy trình trồng nấm, thu hoạch nấm, sơ chế, sấy và bảo quản nấm... Du khách có thể thưởng thức một số món ăn đặc trưng làm từ nấm và rau trong trang trại: chả giò nấm (nem nấm), soup nấm, thịt xiên nấm nướng, trà nấm...
Đến giữa năm 2021, bà chủ Nấm Đà Lạt quyết định mở rộng hoạt động tại thị trường trong nước. Chị Hoa đã mở thêm dịch vụ hướng dẫn sử dụng nấm và bán nấm online trực tiếp tới người tiêu dùng. Thế nhưng, phải đến tháng 10-2023, với sự hỗ trợ của Central Retail, các sản phẩm Nấm Đà Lạt mới bắt đầu được giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng ở Đà Lạt và TP HCM.
"Tại một số siêu thị GO! và Tops Market, công ty trực tiếp giới thiệu công dụng của từng loại nấm, cách chế biến và mời khách nếm thử. Kết quả là rất nhiều khách hàng sau khi ăn thử đã quyết định mua, sau vài lần đã trở thành khách "ruột" của công ty" - chị Hoa kể.
Sau khi thử nghiệm thành công ở hệ thống bán lẻ của Central Retail, Nấm Đà Lạt mạnh dạn chào bán vào một số hệ thống phân phối khác. Công ty đặt mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ có mặt tại tất cả hệ thống phân phối lớn trên cả nước.
Chị Hoa cho biết: "AEON, Emart đã ký xong hợp đồng tiêu thụ. Hệ thống MM Mega Market cũng đã đồng ý mua hàng. Gần đây nhất, tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành tổ chức ở TP HCM, một lần nữa công ty được tiếp xúc với các nhà phân phối lớn và nhiều DN, người tiêu dùng. Tại đây, bộ phận thu mua của Saigon Co.op rất quan tâm đến sản phẩm, hứa hẹn sẽ xúc tiến thủ tục và khảo sát thực tế trang trại để tiến tới hợp tác phân phối".
Theo chị Hoa, nấm của công ty có lợi thế là sản phẩm nấm hiếm hoi của Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ, được đầu tư chỉn chu từ chất lượng đến bao bì đóng gói, tem nhãn. Hiện tại, mỗi ngày trang trại Nấm Đà Lạt sản xuất 1 tấn nấm, vừa phục vụ thị trường nội địa vừa chế biến xuất khẩu. Nếu nhu cầu thị trường tăng, công ty có thể nâng năng suất lên 5-10 tấn/ngày. Một số đối tác xuất khẩu cũng đã xúc tiến để đưa nấm tươi sang Campuchia, Singapore…
"Chúng tôi tự hào đã làm chủ công nghệ, sản xuất được sản phẩm chất lượng, hoạt chất tốt, được đánh giá tương đương nấm nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc" - chị Hoa bày tỏ.
Có thể ăn ngay
Làng Nấm Đà Lạt đang nuôi trồng 18 loại nấm dược liệu và nấm thực phẩm như: đông trùng hạ thảo, linh chi, hồng ngọc, hoàng kim, bào ngư trắng, nấm hầu thủ, nấm tú trân, nấm Notaky...
Vì các loại nấm được nuôi trồng trên giá thể hữu cơ, trong quá trình trồng và thu hoạch không xịt nước, không tiếp xúc với hóa chất, bụi bặm, công nhân thu hoạch nấm luôn mang đầy đủ bảo hộ lao động nên bảo đảm sạch, có thể sử dụng ngay. "Người tiêu dùng có thói quen ngâm nấm với nước muối, xả nước nhiều lần. Với Nấm Đà Lạt thì không cần phải ngâm rửa như vậy, vì sẽ làm mất chất dinh dưỡng và giảm độ ngon ngọt tự nhiên" - chị Hoa lưu ý.