Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt: Nét cọ tri ân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt nói về hành trình rong ruổi hàng ngàn ki lô mét trên chiếc xe máy “cà tàng” để vẽ chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng trên mảnh đất hình chữ S bằng 2 chữ: Tri ân! Bởi lẽ, từng bước qua cuộc chiến và cùng là phận nữ, bà thấu hiểu nỗi đau của các mẹ khi những người con dứt ruột sinh ra đã hy sinh vì Tổ quốc. 
Mỗi người mẹ một nỗi đau
Họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ: Bà tên thật là Đặng Thị Bông, quê ở tỉnh Tiền Giang, hiện sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. 15 tuổi, bà tham gia hoạt động cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, bà được Nhà nước cho đi học mỹ thuật rồi về công tác tại TP. Hồ Chí Minh. “Ý tưởng vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được nung nấu từ khi tôi còn giảng dạy ở Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Đúng ra thì có cả chồng tôi cùng thực hiện nhưng anh ấy đã qua đời. Năm 2010, tôi bắt đầu hành trình sáng tác về đề tài nhân chứng lịch sử. Đến năm 2022 là chuyến thứ 5 và tôi đã vẽ được 2.644 chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng, 200 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ở khu 7, 9 và Anh hùng Núp ở Gia Lai”-nữ họa sĩ 74 tuổi kể.
Hành trình của họa sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới là cuộc đua với dòng chảy khắc nghiệt của thời gian. “Cả nước có 130 ngàn Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nếu không phải vì 2 năm đại dịch Covid-19 thì tôi đã hoàn thành công việc rồi. Tôi lo các mẹ sẽ về với tổ tiên nên tranh thủ mọi phút giây để đi và vẽ. Mỗi khi đến địa phương nào đó mà nghe báo một mẹ mới mất, nước mắt tôi lại trào ra”-bà Việt bộc bạch. 
Họa sĩ Đặng Ái Việt và bức chân dung vẽ Mẹ Việt Nam Anh hùng Ksor Suê ở xã Ia Sao, huyện Ia Grai. Ảnh: Hoành Sơn
Họa sĩ Đặng Ái Việt và bức chân dung vẽ Mẹ Việt Nam Anh hùng Ksor Suê ở xã Ia Sao, huyện Ia Grai. Ảnh: Hoành Sơn
Trả lời câu hỏi về số lượng Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Gia Lai đã vẽ, nữ họa sĩ kể: “Đây là lần thứ 4 tôi đến Gia Lai vẽ chân dung nhân chứng lịch sử. Lần đầu tiên là năm 1999, tôi đến vẽ Anh hùng Núp. Năm 2010 và 2013, tôi vẽ chân dung 9 mẹ. Còn chuyến này, tôi hoàn thành 13 bức vẽ các mẹ ở Pleiku, An Khê, Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông. Theo danh sách được cung cấp thì tôi đã hoàn tất việc vẽ Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh”.
Nữ họa sĩ già bước nhanh về mấy chiếc cặp để đầu giường và cẩn thận lấy một vài bức chân dung vẽ Mẹ Việt Nam Anh hùng sinh sống ở Gia Lai có xác nhận của chính quyền địa phương rồi đưa cho tôi xem. Bà rớm nước mắt nói: “Với tôi, mỗi bức tranh vẽ một mẹ là một nỗi đau riêng. Không có sự so sánh nào cả bởi mỗi người một cảnh ngộ khác nhau. Đến vẽ Mẹ Việt Nam Anh hùng Ksor Suê (dân tộc Jrai, SN 1923, trú tại làng Dút 1, xã Ia Sao, huyện Ia Grai), tôi lặng người khi thấy mẹ lọm cọm đi ra từ căn bếp tuềnh toàng. Ngồi phác thảo chân dung mẹ mà lòng tôi như thắt lại. Vẽ xong chân dung mẹ Suê, mắt tôi ngấn lệ. Tôi khóc vì mừng đã hoàn thiện bức vẽ khi mẹ còn sống trên đời”.
“Trả nợ đời mà lại mắc nợ”
Như cách nói của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt thì 12 năm rong ruổi hàng ngàn ki lô mét trên mọi miền Tổ quốc là để “trả nợ đời mà lại mắc nợ đời”. Lý do là trong hành trình của bà, ngoài gia đình thì còn có sự ủng hộ rất lớn từ cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân. “Tôi luôn nói, nếu không có sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan chức năng, tôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện công việc này. Khi hoàn thiện một bức chân dung, nghe lãnh đạo địa phương nói lời cảm ơn, tôi thường bảo, thế là ngược rồi. Chính tôi phải cảm ơn địa phương vì sự giúp đỡ tận tình trong thời gian qua. Ví như ở thị xã An Khê, có đồng chí lãnh đạo gác công việc, ngồi chờ tôi đến, dắt tay giao cho cấp dưới, dặn dò kỹ lưỡng. Thấy anh ấy chu đáo như thế, tôi áy náy vô cùng. Lại nhớ có một lần ra Bắc, gặp lãnh đạo xã, đưa thẻ căn cước tên Đặng Thị Bông mà giới thiệu tên Đặng Ái Việt, đồng chí tỏ vẻ nghi hoặc. Nhưng khi nghe tôi nói mục đích, anh ấy liền xin lỗi và đích thân dẫn đến nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng để vẽ tranh. Vì thế sau này, khi tôi xin giữ lại chứng minh nhân dân đã cắt góc để tiện cho công việc”-bà Việt chia sẻ.
Họa sĩ Đặng Ái Việt chụp ảnh lưu niệm với Mẹ Việt Nam Anh hùng Ksor Suế. Ảnh: NVCC
Họa sĩ Đặng Ái Việt chụp ảnh lưu niệm với Mẹ Việt Nam Anh hùng Ksor Suế. Ảnh do nhân vật cung cấp
Nghe tôi hỏi “Bà nói nợ dân nhiều là sao”, nữ họa sĩ cười rồi kể: “Bây giờ đi đâu, người ta cũng biết tôi cả. Có bận, tôi ghé quán ven quốc lộ 1A ăn phở, cô chủ quán bưng ra 1 tô đầy ắp thịt. Đến khi tôi gọi tính tiền, cô ấy lễ phép thưa: “Cho cháu mời họa sĩ Đặng Ái Việt tô phở, nó có thấm gì với việc làm cao cả của cô”. Hay như hôm từ thị xã An Khê lên TP. Pleiku, ghé cây xăng quân đội ở huyện Đak Pơ, anh lính trẻ bơm xăng đầy ắp bình và không chịu nhận tiền. Còn có mấy cháu học sinh mặc trang phục người Jrai đi học về, thấy tôi chụp hình với hoa dã quỳ liền bảo nhau xúm lại chụp ảnh cùng. Tôi nói nợ đời hơn là chính xác chứ còn gì nữa”. 
Đưa tấm bản đồ đánh dấu chi tiết chặng đường đã đi qua, nữ họa sĩ từng được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận kỷ lục người vẽ Mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất chia sẻ dự định sắp tới: “Thực hiện xong bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng ở huyện Chư Prông, tôi tiếp tục hành trình về miền Tây Nam Bộ vẽ tiếp. Khi hoàn thiện tất cả bức vẽ các mẹ, tôi sẽ chuyển sang vẽ chân dung các Anh hùng lực lượng vũ trang trong nước như ý định ban đầu. Để thực hiện được điều này, mỗi ngày, sau khi vẽ tranh về, tôi tự nấu cơm ăn, sau đó đi ngủ sớm, sáng mai dậy ngồi thiền điều hòa khí huyết, xoa tay vào một cục thạch anh để đôi tay luôn linh hoạt, giúp giữ nét cọ được mềm mại”.  
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm