Sống trẻ - Sống đẹp

Sống đẹp

Nữ sinh học song bằng và tốt nghiệp với kết quả 'không thể tin nổi'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Học cùng lúc hai ngành kinh doanh quốc tế và quản trị nhân lực, nữ sinh này đã 'gây sốc' với bạn bè, thầy cô và gia đình khi đạt kết quả bất ngờ.

3 năm và 2 bằng đại học

Cô gái ấy là Phạm Ngọc Khánh Linh (21 tuổi), vừa trở thành tân cử nhân của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM.

Linh tốt nghiệp loại xuất sắc ngành quản trị nhân lực với số điểm GPA (điểm trung bình tốt nghiệp) là 3,7/4. Nữ sinh này cũng tốt nghiệp loại giỏi ngành kinh doanh quốc tế với số điểm GPA là 3,56/4.

Theo Linh, sở dĩ chọn ngành kinh doanh quốc tế vì muốn thông qua các môn học sẽ giúp bản thân hiểu rõ cách doanh nghiệp tương tác và hoạt động trên thị trường quốc tế. Đó là điều sẽ mở ra cơ hội làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia và tham gia vào thương mại quốc tế. "Ngành này cung cấp nhiều kỹ năng quan trọng như: quản lý dự án, giao tiếp, phân tích kinh doanh, quản trị tài chính... Những kỹ năng này có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực và vị trí công việc khác nhau. Và em muốn thử sức mình", Linh cho biết.

Cùng lúc, Linh cũng chọn học thêm ngành quản trị nhân lực vì muốn tìm hiểu cách tạo ra môi trường làm việc tích cực, phát triển và quản lý tài nguyên con người một cách hiệu quả.

"Em quyết định học ngành này vì mong hỗ trợ phát triển kỹ năng quản lý cá nhân, tư duy phản biện, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa. Tiếp thu kiến thức của ngành này sẽ giúp em trở thành người tự tin và hiệu quả trong cả công việc lẫn cuộc sống", Linh kể thêm.

Tân cử nhân Phạm Ngọc Khánh Linh rạng rỡ vào ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: Phong Linh

Tân cử nhân Phạm Ngọc Khánh Linh rạng rỡ vào ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: Phong Linh

Cũng theo tân cử nhân của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM: "Sự giao thoa giữa hai ngành này là xu hướng phát triển của các công ty hiện nay, khi thị trường lao động đang cần người có khả năng hội nhập quốc tế và điều phối nhân lực trong doanh nghiệp. Song song đó, các vị trí liên quan đến kinh doanh quốc tế và quản trị nhân lực thường có tiềm năng thu nhập cao".

Linh nhớ lại trong quá trình nỗ lực học vượt và cố gắng học song bằng đã rất khổ sở. "Nhất là khi bắt đầu, vì chưa quen với khối lượng kiến thức mà bản thân phải tiếp nhận cũng như chưa biết cách cân bằng, sắp xếp thời gian hợp lý… nên gặp không ít khó khăn. Nhưng cũng nhờ có những "sự gập ghềnh" đó mà em đã chịu được áp lực cao. Em cũng "khai phá" được giới hạn của bản thân, tìm ra những phương pháp học tốt hơn...", Linh nói.

Linh nhìn nhận hiện nay thị trường việc làm cạnh tranh khá khốc liệt. Vì thế, bắt buộc ứng viên khi xin việc không những có thật nhiều kiến thức mà phải có cả kỹ năng, kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế. Nên việc tốt nghiệp song bằng cùng lúc với hai kết quả xuất sắc và giỏi sẽ giúp Linh có thêm nhiều cơ hội cho công việc trong thời gian tới.

Với kết quả mỹ mãn trong học tập, Linh đã khiến nhiều thầy cô trầm trồ, bạn bè ngưỡng mộ. "Em nghĩ rằng thái độ tập trung trong suốt quá trình trau dồi kiến thức, tinh thần luôn sẵn sàng học hỏi cái mới, cũng như sự nỗ lực, kiên trì không ngừng nghỉ để đạt được mục tiêu đề ra chính là các yếu tố giúp chinh phục những điểm số cao", Linh chia sẻ.

Cách để học tập hiệu quả

Tốt nghiệp 2 ngành học chỉ trong vòng 3 năm, Linh được nhiều sinh viên trong trường xem là thần tượng. Chia sẻ về bí quyết để học tập hiệu quả, Linh nói: "Mỗi sinh viên cần xác định mục tiêu cụ thể, lập kế hoạch học tập rõ ràng. Hãy tạo danh sách các môn học cần hoàn thành và luôn nỗ lực để có kết quả cao nhất".

Song bằng và song ngành khác gì nhau?

Theo Linh, học song ngành là chỉ cần học một số môn nhất định (khoảng từ 13 – 15 môn) là sẽ có chứng chỉ. Trong khi đó, học song bằng là cần phải học hết các môn, không trùng với ngành thứ nhất và đầu ra sẽ là bằng đại học.

"Phải quản lý thời gian hiệu quả bằng cách tạo lịch học cụ thể và tuyệt đối tuân thủ. Cần ưu tiên cho việc học, sau đó là dành thời gian để giải trí và nghỉ ngơi. Có thể sử dụng các công cụ quản lý thời gian như: lịch, danh sách công việc. Ngoài ra, sinh viên cũng nên cố gắng học và ghi nhớ kiến thức ngay tại lớp. Có như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, không rơi vào cảnh hốt hoảng, lo âu vào mùa thi", Linh chia sẻ thêm.

Một trong những thắc mắc của sinh viên là trong quá trình học, có nên đi làm thêm? Linh cho rằng: "Sinh viên nên đi làm thêm bởi sẽ giúp có thêm những kỹ năng, hiểu hơn về thị trường lao động. Kinh nghiệm có được trong thời gian đi làm thêm sẽ giúp có nhiều "điểm cộng" khi đi xin việc sau này. Tuy nhiên cần có sự phân bổ thời gian hợp lý. Đừng để việc làm thêm ảnh hưởng chuyện học".

Chia sẻ về ước mơ của bản thân, Linh cho biết muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự. Qua đó có thể hỗ trợ nhiều người trong việc tìm kiếm công việc phù hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế. Linh cũng mong tạo ra thu nhập ổn định để giúp đỡ gia đình.

Thời sinh viên của Linh kết thúc trọn vẹn với 2 bằng đại học xếp loại xuất sắc và giỏi. Ảnh: Phong Linh

Thời sinh viên của Linh kết thúc trọn vẹn với 2 bằng đại học xếp loại xuất sắc và giỏi. Ảnh: Phong Linh

Trong 3 năm học, Linh đã nhận được nhiều thành tích trong các cuộc thi do Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM tổ chức như: giải tư cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2022; giải nhì cuộc thi Kinh doanh quốc tế 2022; 2 năm liên tiếp nhận thư khen của hiệu trưởng và nhận danh hiệu "Sinh viên 5 tốt"…

Nhờ những thành tích vượt trội trong học tập và tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, Linh đã nhận nhiều học bổng: Keb Hana 2022 (của Ngân hàng Keb Hana, Hàn Quốc), Lighting Up Your Future Scholarship 2022 (của Công ty kiểm toán đa quốc gia Deloitte, Anh)…

Có thể bạn quan tâm