Gần nửa thế kỷ qua, chương trình xóa mù chữ trải qua nhiều giai đoạn gắn với nhiệm vụ giáo dục tại địa phương và luôn nhận được sự quan tâm đầu tư về nguồn lực nên đạt kết quả ấn tượng.
Chuyện xóa mù chữ một thời
Ông Trần Quang Lực-nguyên quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) gắn bó với công cuộc xóa mù chữ cho người dân ở vùng căn cứ cách mạng từ những năm đầu sau giải phóng.
Ông cho biết, thời kỳ đó khó khăn chồng chất, lại thêm trở ngại lớn là các thầy giáo người Kinh và học viên người dân tộc thiểu số không biết ngôn ngữ của nhau. Do đó, ông vừa dạy tiếng Việt, lại vừa học tiếng Jrai. Nhiều năm kháng chiến sống trong rừng nên không chỉ ở vùng căn cứ mà cả các buôn làng khác ở huyện Krông Pa, rất nhiều người không biết chữ. Cùng với “diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt” trở thành phong trào rộng khắp sau ngày giải phóng.
Nhờ các lớp xóa mù chữ và học nói thông thạo tiếng phổ thông, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Ảnh: Minh Châu |
Ông Lực hồi tưởng: “Hồi đó, khẩu hiệu của nhà trường là “1 hội đồng, 2 nhiệm vụ”, tức là vừa dạy học ban ngày, vừa xóa mù chữ cho dân vào ban đêm.
Hình ảnh ấn tượng nhất với tôi là đêm đêm, bà con dùng những cái chai thủy tinh cắt ngang, để cái đèn hột vịt vào giữa cho gió thổi khỏi tắt. Mỗi người một ngọn đèn từ các ngả đường đất đi bộ về điểm trường. Người già, phụ nữ mới sinh con cũng đến lớp, vừa ngồi học vừa cho con bú.
Mặc dù thời kỳ này, đời sống người dân thiếu thốn trăm bề, nhất là nạn đói giáp hạt nhưng tinh thần hiếu học vẫn như ngọn đèn thắp sáng cuộc sống, mang theo những hy vọng”.
Khi chuyển sang ngành Văn hóa, ông Lực đã tái hiện lại không khí lớp học ngày trước qua các tác phẩm hội họa ghi nhớ một thời kỳ toàn dân xóa nạn mù chữ.
Các đơn vị cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện công tác xóa mù chữ. Ảnh: Mộc Trà |
Ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT:“Chương trình xóa mù chữ không chỉ giúp người dân biết đọc, biết viết mà còn có những tác động to lớn, lâu dài đối với người dân. Đi liền với xóa mù chữ, trình độ nhận thức của người dân được nâng cao. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc biết chữ giúp nhiều người tiếp cận với khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động”.
Công cuộc xóa mù chữ trong 10 năm đầu sau giải phóng được những người trong cuộc xem là một kỳ tích. Ông Kpă Pual-nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Krông Năng, Trường Tiểu học Phú Cần (huyện Krông Pa) gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở vùng đất Krông Pa từ năm 1985. Giai đoạn này, công tác xóa mù chữ tiếp tục được tiến hành mạnh mẽ.
“Xóa mù chữ những năm đó rất gian nan, vất vả. Mỗi người chỉ được cấp 1 quyển vở, 1 cây bút chì, sách thì thay phiên mượn đọc. Mỗi người đi học được cấp 1 cái đèn dầu nhỏ, còn cán bộ, giáo viên thì được cấp đèn to hơn.
Tôi nhớ những năm 1990, khi đi bầu cử, đa số người dân đã tự đọc được thông tin trên phiếu bầu, gạch tên những người không được lựa chọn rồi bỏ phiếu. Trong khi trước đó, tổ bầu cử phải phân công người gạch giúp. Đó là hình ảnh khiến chúng tôi xúc động, minh chứng rất rõ hiệu quả của công cuộc xóa mù chữ với biết bao nỗ lực của người dạy lẫn người học. Nhiều người từ các lớp xóa mù chữ đã đi học cao hơn rồi trở về làm cán bộ các cấp. Chúng tôi xem đó thực sự là một kỳ tích”-ông Kpă Pual chia sẻ.
Một giờ học ở lớp xóa mù chữ. Ảnh: Bá Bính |
Theo ông Kpă Pual, công cuộc xóa mù chữ đã trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn lại gắn liền với nhiệm vụ giáo dục cụ thể tại địa phương. Qua mỗi giai đoạn như vậy, tỉnh đã cơ bản giải quyết được nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
“Nhưng nhiều người sau một thời gian dài không sử dụng tiếng Việt, lại thiếu phương tiện như ti vi, điện thoại, sách vở… để có điều kiện tiếp xúc, trau dồi ngôn ngữ nên tái mù chữ. Đến nay, công cuộc xóa mù chữ bước sang giai đoạn mới, được Đảng và Nhà nước đầu tư nguồn lực đầy đủ hơn, hy vọng sẽ tạo nên những kỳ tích mới”-ông Kpă Pual nói.
Các lớp xóa mù chữ thu hút đông đảo người dân đến học tập. Ảnh: Mộc Trà |
Tạo nền tảng tri thức cho dân
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), toàn tỉnh có khoảng 60 ngàn người mù chữ trong độ tuổi 15-60, chiếm khoảng 5,6% dân số trong độ tuổi. So với cả nước, Gia Lai có tỷ lệ người mù chữ khá cao. Đáng chú ý là trong đó có gần 40 ngàn người dân tộc thiểu số thuộc diện không biết chữ, phần lớn là phụ nữ. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, chính sách đầu tư cho giáo dục, ưu tiên cho công tác xóa mù chữ.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 49/2022/NQ-HĐND quy định nội dung, mức hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia học xóa mù chữ; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 384/QĐ-UBND phê duyệt danh mục học phẩm hỗ trợ cho học viên các lớp xóa mù trên địa bàn tỉnh gắn với thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
Thành quả của công cuộc xóa mù chữ có sự nỗ lực rất lớn của người dạy lẫn người học. Ảnh: H.N |
Trong giai đoạn 1 (2021-2025) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đặt mục tiêu mở 735 lớp xóa mù chữ cho gần 23,5 ngàn người với nguồn kinh phí 47 tỷ đồng.
Tính đến hết năm học 2023-2024, toàn tỉnh mở được 234 lớp xóa mù chữ với 6.669 học viên. Nhiều địa phương đạt và vượt kế hoạch đề ra như: huyện Ia Grai mở 47 lớp với 1.160 học viên, Chư Prông mở 30 lớp với 817 học viên… Tổng kinh phí từ ngân sách trung ương phân bổ trong năm 2022 và 2023 để thực hiện công tác xóa mù chữ là hơn 17,55 tỷ đồng.
Huyện Ia Grai đứng đầu toàn tỉnh về huy động học viên ra lớp xóa mù chữ. Ông Phạm Văn Đại-Trưởng phòng GD-ĐT huyện-cho biết: “Công tác điều tra phổ cập, tuyên truyền, vận động được triển khai đến tận các thôn, làng nên rất đông người chưa biết chữ đăng ký học. Theo kế hoạch, chúng tôi mở 30 lớp nhưng số lượng đăng ký đông nên số lớp vượt cao.
Có giai đoạn, chúng tôi mở 51 lớp nhưng trong quá trình học, một số người bỏ giữa chừng nên còn duy trì 47 lớp. Trong đó, 40 lớp đã kết thúc giai đoạn 1, còn 7 lớp ở 2 xã biên giới Ia Khai và Ia Chía đang tiếp tục duy trì. Phòng cử cán bộ có kinh nghiệm dạy xóa mù chữ kiểm tra, đánh giá thực tế trước khi công nhận đạt xóa mù chữ mức độ 1”.
Cũng theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện, số lớp xóa mù chữ vượt cao so với kế hoạch được giao nên nhiều giáo viên vẫn chưa được nhận tiền công đứng lớp. Mặc dù vậy, các thầy cô vẫn nhiệt tình bám lớp, đi dạy đêm hôm tận các điểm làng xa xôi.
Cô giáo Rơ Lan Vy (bìa phải, trú tại làng Greo Sek, xã Dun, huyện Chư Sê) trong một buổi dạy ở lớp xóa mù chữ miễn phí cho người dân. Ảnh: Thiên Di |
Tại hội nghị về công tác xóa mù toàn quốc năm 2023 do Bộ GD-ĐT tổ chức, Gia Lai là một trong những địa phương đạt được kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng cho việc thúc đẩy xóa mù chữ, mang đến cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi người dân. Gia Lai và Yên Bái là 2 địa phương được lựa chọn trình bày tham luận chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong việc huy động học viên tham gia lớp xóa mù chữ.
Đồn Biên phòng Ia Mơ khai giảng lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Jrai
Gia Lai: Gần 1.300 phụ nữ dân tộc thiểu số được xóa mù chữ
Tuy nhiên, theo ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Công cuộc xóa mù chữ tại Gia Lai vẫn còn không ít khó khăn và đặc thù riêng. Đó là người dân tộc thiểu số mù chữ chiếm tỷ lệ cao, phần lớn trong độ tuổi lao động nên việc học thường bị gián đoạn. Người dân có tập quán ngủ rẫy vào mùa thu hoạch cũng gây khó khăn trong việc duy trì sĩ số.
Bên cạnh đó, một số địa phương có địa bàn rộng, mùa mưa kéo dài, nhận thức về chủ trương xóa mù chữ còn hạn chế nên việc huy động người dân đến lớp gặp nhiều trở ngại. So với mặt bằng chung của cả nước, Gia Lai vẫn nằm trong 11 tỉnh chưa đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (tính đến cuối năm 2023).
Hiện toàn tỉnh có 15/17 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt được mục tiêu giai đoạn 2021-2025 về phổ cập giáo dục xóa mù chữ theo kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh.