Kinh tế

Nông nghiệp

Nuôi cá thả đồng trên ruộng lúa kém hiệu quả: Chi phí thấp, hiệu quả cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều hộ dân ở xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá thả đồng. Hướng đi mới này bước đầu mang lại cho người dân thu nhập ổn định.
Gia đình chị H’Khoan (làng Bông Phun, xã Chư Á) là hộ tiên phong trong chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá thả đồng. Ảnh: Trần Dung
Gia đình chị H’Khoan (làng Bông Phun, xã Chư Á) là hộ tiên phong chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá thả đồng. Ảnh: Trần Dung
Gia đình chị H’Khoan (làng Bông Phun) tiên phong trong việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi cá. Gia đình chị có 6 sào lúa nước, trong đó 2 sào không hiệu quả do địa hình ruộng có nhiều đá, đất cằn và bị trũng sâu.
“Nhiều năm liền trồng lúa mà không có thu, vợ chồng tôi đã tìm hướng chuyển đổi để cải thiện thu nhập. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy nuôi cá thả đồng vừa tốn ít chi phí ban đầu, vừa dễ chăm sóc nên chúng tôi quyết định đắp bờ để thả cá. Năm 2018, tôi mua 50 kg cá giống với giá 70 ngàn đồng/kg về thả. Sau 6 tháng, cá phát triển tốt và cho thu hoạch”-chị H’Khoan chia sẻ.
Vụ cá đầu tiên, gia đình chị H’Khoan thu về hơn 2 tạ, bán được hơn 15 triệu đồng. Nhận thấy nuôi cá thả đồng cho thu nhập ổn định, vợ chồng chị tiếp tục đầu tư 170 kg cá trắm, cá chép… về thả.
Ông Jôp-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làng Bông Phun-cho biết: Trong làng có 5 hộ triển khai mô hình nuôi cá trên những ruộng lúa kém hiệu quả. Nuôi cá thả đồng không tốn nhiều chi phí, người dân chỉ cần đắp bờ, rào lưới xung quanh chân ruộng; đồng thời có thể tận dụng các loại rau, cỏ để làm thức ăn cho cá.
Cá nuôi trong ruộng sinh trưởng và phát triển tốt, không phát sinh dịch bệnh. Trung bình mỗi vụ thu được khoảng hơn 1 tạ cá/sào. Với giá bán dao động 80-100 ngàn đồng/kg, người dân thu về gần 10 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa, lại không quá vất vả.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình, nhiều hộ dân ở xã Chư Á mạnh dạn chuyển đổi những ruộng lúa kém năng suất hoặc bị bỏ hoang lâu ngày sang nuôi cá. Anh Ru Min (làng Mơ Nú) cho hay: Tôi vừa thả 50 kg cá giống trên 1 sào ruộng lúa. Ban đầu, tôi tìm hiểu để mua được nguồn cá giống đảm bảo khỏe, sạch bệnh, đạt tỷ lệ nuôi sống trên 80%. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi nên cá rất nhanh lớn. Ruộng nuôi cá yêu cầu phải đắp bờ rộng để tránh thất thoát nước, mực nước trong ruộng phải ổn định, cao hơn mặt ruộng 80 cm.
Theo các hộ nuôi cá thả đồng, thị trường tiêu thụ cá hiện nay khá ổn định. Một số tiểu thương vào tận ruộng thu mua hoặc người dân thu hoạch đưa ra bán tại các chợ trên địa bàn. Mô hình nuôi cá thả đồng không chỉ dừng lại ở việc cải thiện bữa ăn gia đình mà đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Kiên-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Á thì vấn đề khó khăn là các hộ nuôi cá chưa chủ động được nguồn cá giống. Hơn nữa, người dân chỉ dựa theo kinh nghiệm truyền thống, nuôi nhiều loại cá trong một diện tích… Để phát triển mô hình nuôi cá bền vững, cần có sự tham gia của các ngành chức năng trong việc hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. 
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm