Kinh tế

Nông nghiệp

Nuôi ốc bươu đen mang lại hiệu quả cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) triển khai từ tháng 6-2022, mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm đã đem lại hiệu quả cao, góp phần giúp các hộ dân có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Sau hơn 10 tháng tham gia mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm, gia đình ông Hồ Duy Dầu (thôn 3, xã Đak Hlơ) đã có một nguồn thu đáng kể. Ông Dầu cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ gần 18.000 con ốc bươu đen, tôi thả nuôi chung với ốc có sẵn trong ao (diện tích 1.000 m2) của gia đình. Từ đó đến nay, gia đình thu hoạch 4 đợt, bán được hơn 60 triệu đồng. Ngoài ra, cứ cách mấy ngày thì lại thu lai rai 1-2 triệu đồng. Đáng nói là chi phí đầu tư không đáng bao nhiêu bởi thức ăn của ốc chủ yếu là sinh vật phù du, rau, bèo, quả chín”.

Từ khi tham gia mô hình, gia đình ông Hồ Duy Dầu đã có thêm nguồn thu nhập khá ổn định. Ảnh: Nhật Hào

Từ khi tham gia mô hình, gia đình ông Hồ Duy Dầu đã có thêm nguồn thu nhập khá ổn định. Ảnh: Nhật Hào

Tương tự, sau một thời gian tham gia mô hình, bà Nguyễn Thị Thanh Diệu (thôn 1, xã Đak Hlơ) cũng khá yên tâm với mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm. Theo bà Diệu, được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ gần 18.000 con giống, bà đào gần 100 m2 ao rồi mua thêm 3.000 con ốc giống về nuôi. Từ đó đến nay, gia đình bà đã thu hoạch 5 lần, bán được hơn 20 triệu đồng, số còn lại bà giữ trong ao để nhân giống.

“Tôi thấy ốc bươu đen khá dễ nuôi, ốc ăn hầu hết các loại rau củ quả. Hơn nữa, ốc cũng sinh trưởng tốt. Sau 4 tháng, ốc đã đẻ trứng nên duy trì được con giống để nhân rộng. Hiện nay, nhiều người hỏi mua ốc thương phẩm và ốc giống để nuôi nhưng gia đình chưa nhân giống đủ để cung cấp ra thị trường”-bà Diệu cho hay.

Bà Nguyễn Thị Khâm-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Đak Hlơ-thông tin: Xã có 3 hộ tham gia Dự án nuôi ốc bươu đen. Khi triển khai dự án, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã hỗ trợ con giống và phối hợp với xã mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ốc; thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của ốc để hướng dẫn thêm cho bà con.

Qua kiểm tra cho thấy, dự án này đã mang lại hiệu quả, ốc sinh trưởng tốt, 3-4 tháng đã đẻ trứng. Với giá bán 60-80 ngàn đồng/kg, các hộ có được nguồn thu ổn định, có hộ đã mở rộng quy mô. Hiện nay, trên địa bàn xã có thêm 3 hộ tự phát nuôi nhưng lượng ốc vẫn chưa đủ để cung cấp ra thị trường tại Kbang và thị xã An Khê.

Hiện nay, nhiều hộ ở xã Đak Hlơ đã mua con giống tại các hộ tham gia mô hình để nuôi nhằm cải thiện thu nhập. Ảnh: Nhật Hào

Hiện nay, nhiều hộ ở xã Đak Hlơ đã mua con giống tại các hộ tham gia mô hình để nuôi nhằm cải thiện thu nhập. Ảnh: Nhật Hào

Trao đổi với P.V, ông Dương Ngọc Lành-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho hay: Mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm được triển khai với sự tham gia của 9 hộ dân tại 3 xã: Đak Hlơ, Kông Pla, Lơ Ku. Tổng kinh phí gần 167,5 triệu đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 90 triệu đồng, còn lại do người dân đối ứng. Mỗi hộ được hỗ trợ gần 18.000 con ốc giống, được tập huấn kỹ thuật, cán bộ Trung tâm phối hợp với cán bộ Hội Nông dân huyện và xã trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn cách cải tạo ao, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh cho ốc.

Qua theo dõi, ốc phát triển tương đối tốt, ít bị bệnh. Đến cuối tháng 12-2022, qua tổng kết, các hộ dân đã thu hoạch ốc để bán, trung bình mỗi hộ thu lợi nhuận gần 20 triệu đồng. Từ đó đến nay, các hộ tiếp tục thu hoạch bán nên cũng có thu nhập thêm, nhiều hộ đã giữ lại một số ốc để nhân giống, mở rộng quy mô. “Mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm bước đầu đã đem lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương”-ông Lành thông tin.

Có thể bạn quan tâm