Đô thị

Nhịp sống Đô thị

'Ổ gà' làm cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi 'bốc hơi' 600 triệu đồng/ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi bị hư hỏng cục bộ với các “ổ gà”, bong tróc mặt đường, trao đổi với báo chí chiều nay (15/10), ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)-chủ đầu tư dự án cho biết, việc dừng thu phí khiến khiến VEC thất thu bình quân 600 triệu đồng/mỗi ngày.
Các phương tiện lưu thông trên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
Các phương tiện lưu thông trên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
Theo ông Tám, trước thời điểm dừng thu phí, mỗi ngày VEC thu được từ 500-800 triệu đồng, bình quân khoảng 600 triệu đồng/ngày. Đoạn đường hư hỏng thuộc phần sử dụng vốn vay JICA (Nhật Bản), đã đưa vào sử dụng từ tháng 8/2017.
“Thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, từ 0 giờ ngày 12/10 vừa qua, VEC đã tạm dừng thu phí trên toàn tuyến để khắc phục triệt để các hư hỏng triệt để và báo cáo Bộ để kiểm tra, trước khi cho thu phí trở lại,” ông Tám khẳng định.
Lý giải về việc chậm sửa chữa hư hỏng, Tổng giám đốc VEC cho rằng, việc sửa chữa chỉ cần 2 ngày, tuy nhiên, thời gian qua, thời tiết liên tục mưa nên ảnh hưởng tới tiến độ sửa chữa tuyến đường. 
“Nếu trời mưa, có sửa đường thì vẫn tiếp tục hỏng, như vậy còn phản cảm hơn. Đến nay, thời tiết đã tốt hơn, nên việc sửa chữa triệt để sẽ xong trước trưa 17/10. Vị trí sửa chữa bao gồm các đoạn tuyến thuộc lý trình Km45+000-Km46+000 (phải tuyến); Km46+000 (trái tuyến), Km27+000 (trái tuyến),” ông Tám cho hay.
Đề cập đến nguyên nhân hư hỏng bong tróc, “ổ gà” mặt đường, theo ông Tám, hiện vẫn đang được tiến hành tìm nguyên nhân chính xác vì thực tế hư hỏng do cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có thời tiết.
“Việc Ban Quản lý dự án lý đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi lý giải hư hỏng là do thời tiết, cách nói như vậy chưa đúng. Hiện, VEC đã tiến hành sửa chữa đoạn tuyến hư hỏng bằng việc xác định phạm vi hư hỏng, phương án sửa chữa, tiến hành cào bóc bề mặt đường vị trí hư hỏng, ‘ổ gà’, thảm lại mặt đường bê tông nhựa để đảm bảo đồng bộ chất lượng khai thác,” ông Tám nói.
Nhấn mạnh đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi hư hỏng thuộc phần sử dụng vốn vay JICA không phải bị thúc ép tiến độ, Tổng giám đốc VEC cho rằng, đoạn tuyến thi công gồm nhiều đơn vị kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình, tư vấn giám sát. Vì thế, vấn đề chất lượng công trình phải đảm bảo tuyệt đối theo quyết định dự án.
Trả lời về trách nhiệm của các nhân và tập thể VEC, theo ông Tám, VEC đã yêu cầu cá nhân, đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo về Tổng công ty trước ngày 19/10. Hiện, các cá nhân, đơn vị đang thực hiện báo cáo giải trình và nhận trách nhiệm.
“Tất cả cá nhân, đơn vị liên quan đều có trách nhiệm, kể cả Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc và ban điều hành,” Tổng giám đốc VEC quả quyết.
Mặc dù tuyến đường xảy ra hư hỏng đưa vào sử dụng trước thời điểm về làm Tổng Giám đốc (được một năm), tuy nhiên, ông Tám thừa nhận không vì thế mà thái thoát trách nhiệm. Với tư cách người đứng đầu, ông vẫn phải chịu trách nhiệm, kể cả các công trình trước đó 5-7 năm.
Trước đó, ngày 2/8/2017, đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ (Km0+000-Km65+000) thông xe kỹ thuật và đưa vào vận hành. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đưa vào vận hành khai thác, theo thống kê của VEC, có khoảng hơn 70m² trên tổng số hơn 3,1 triệu m² mặt đường toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi phát sinh hư hỏng cục bộ dạng ổ gà, bong bật.
Ngay sau đó, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đã khẩn trương triển khai thực hiện công tác sửa chữa. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc sửa chữa tạm thời chỉ thực hiện sau khi dư luận, báo chí lên tiếng và đi đến quyết định dừng thu phí từ ngày 12/10.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu VEC khẩn trương chỉ đạo nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát thống kê đầy đủ để xử lý, sửa chữa, khắc phục căn cơ, triệt để các vị trí hư hỏng mặt đường bêtông nhựa trên toàn tuyến, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và tuyệt đối an toàn giao thông, an toàn lao động.
VEC chấn chỉnh thay thế ngay các nhà thầu sửa chữa, vá víu mặt đường tạm bợ, thủ công... đồng thời, yêu cầu nhà thầu huy động đầy đủ máy móc, thiết bị chuyên dụng; vật tư, vật liệu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; tổ chức phân luồng giao thông, bố trí rào chắn, biển báo, nguời cảnh giới; đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động cho công nhân thi công và an toàn giao thông khi thi công sửa chữa.
"Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VEC chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Bộ Giao thông Vận tải nếu việc xử lý, sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt đường không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng hoặc để xảy ra mất an toàn giao thông, an toàn lao động trong quá trình thực hiện,” Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
Việt Hùng (Vietnam+) 

Có thể bạn quan tâm