Phóng sự - Ký sự

Ở làng gốm "chỉ còn một người"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Làng gốm Mỹ Thiện (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) từng có thời cả làng hơn 40 hộ làm gốm. Mỗi năm tết đến, làng gốm khắp nơi đỏ lửa. Thế nhưng, đến nay làng gốm chỉ lặng lẽ đỏ lửa ở nhà nghệ nhân Đặng Văn Trịnh.
 

Hơn 200 năm, đến nay làng gốm Mỹ Thiện chỉ còn hộ ông Đặng Văn Trịnh
Hơn 200 năm, đến nay làng gốm Mỹ Thiện chỉ còn hộ ông Đặng Văn Trịnh "đỏ lửa".

Ở thị trấn nhỏ bên dòng sông Trà Bồng, từng có một làng nghề gốm Mỹ Thiện phát triển, ngày đêm đỏ lửa mỗi khi tết đến xuân về. Nay chỉ còn "một người ở lại". Đó là nghệ nhân Đặng Văn Trịnh.

Ông Trịnh có hơn 55 năm theo nghề làm gốm. Theo ông Trịnh, từ thời cha ông xa xưa, nghề gốm Mỹ Thiện đã phát triển, làng nghề tấp nập người bán buôn. Gốm Mỹ Thiện phục vụ từ thời nhà Nguyễn rồi về sau đi khắp nơi, từ Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, các tỉnh ở Tây Nguyên... đến xuất sang Thái Lan...

 

Mỗi nắm đất sét qua bàn tay của người thợ mà nên hình hài đủ loại rồng, phụng, hoa lá lên mỗi ché, bình, ấm trà...
Mỗi nắm đất sét qua bàn tay của người thợ mà nên hình hài đủ loại rồng, phụng, hoa lá lên mỗi ché, bình, ấm trà...

“Nghề gốm đã tồn tại hơn 200 trăm năm. Mỗi mùa xuân mỗi thay đổi. Thời làm gốm hưng thịnh nhất là vào năm 1982. Khi đó, Hợp tác xã gốm Mỹ Thiện ra đời với hơn 200 thành viên, sản phẩm làm ra tiêu thụ khắp nơi. Nhưng giờ, mỗi năm mỗi vắng dần. Đến nay, chỉ còn mình tôi làm giữ nghề”, ông Trịnh chia sẻ.

Vẫn bám lấy nghề, rồi nghề thương người, ông Trịnh làm ăn đủ nuôi cả nhà, lại được thương lái, mối làm ăn đặt hàng. Ông Trịnh cho biết: “Từ giờ đến cuối tháng chạp, vợ chồng tôi phải bàn giao gần 2.000 sản phẩm đặt khắp nơi. Người vùng núi thì đặt bình rượu cần; người miền xuôi thì đặt cối xay, chum muối dưa tết; người nhà giàu thì đặt ché men kiểu cổ để trưng phòng khách; có người đặt theo phong thủy”.

 

Công đoạn quan trọng để tạo hình sản phẩm do vợ ông Trịnh thực hiện.
Công đoạn quan trọng để tạo hình sản phẩm do vợ ông Trịnh thực hiện.

Cứ gần cuối năm, ông Trịnh đi tìm nguồn đất sét. Mỗi nắm đất sét qua bàn tay của người thợ mà nên hình hài đủ loại rồng, phụng, hoa lá lên mỗi ché, bình, ấm trà... Mỗi sản phẩm làm ra sau 7 ngày nung, đến khi hoàn thiện phải mất gần 25 ngày. Vậy mà năm nào cũng vậy, giá cả ông Trịnh không đổi, cái nhỏ thì 20.000 đồng, lớn hơn chút 60.000 đồng. Cũng có loại đến tiền triệu, tùy theo tạo hình, độ sắc sảo, kỳ công.

Từ hơn 50 năm nay, tết nào, làng gốm Mỹ Thiện cũng chỉ còn mình ông Trịnh nhưng ngày nào trong năm cũng có khách đến tham quan, học làm thủ công nghề gốm. Ông Trịnh cho biết, ông sẽ xây dựng thêm vài cơ sở để phục vụ khách du lịch. Thỉnh thoảng, khi công việc ở lò gốm nhiều, ông nhờ thêm vài người thân trong nhà hỗ trợ.

 

Gốm đang được đưa ra khỏi lò nung.
Gốm đang được đưa ra khỏi lò nung.

Rồi đến tháng giêng, ông Trịnh làm lễ giỗ tổ nghề gốm, ghi nhớ các ông Phạm Công Đắc và ông Nguyễn Công Ất, những người từ Thanh Hóa vào Nam rồi dựng lên những lò nung đầu tiên, khai mở nghề gốm làng Mỹ Thiện bên sông Trà Bồng.

Nguyễn Trang/sggp

Có thể bạn quan tâm