Du lịch

Ở nơi tim tím sim, mua…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gặp chị Đoàn Thị Phượng, 44 tuổi, một “người Gia Lai” đang làm ăn thành đạt ở tỉnh Kon Tum, tôi không khỏi nghĩ đến câu: “Kon Tum-Gia Lai, tuy hai mà một”. Chị Phượng là chủ nhân Khu du lịch cảnh quan-sinh thái Ê Ban farm nằm trong Khu du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum).



Đến Km 116+500 quốc lộ 24 (nối Quảng Ngãi-Kon Tum), du khách sẽ bắt gặp Ê Ban hotel và Ê Ban homestay bên đường. Từ đấy, rẽ lối ngàn thông, xuyên rừng nguyên sinh chừng trên 10 cây số sẽ gặp Khu du lịch cảnh quan-sinh thái Ê Ban farm, của cùng một chủ nhân.

 Một góc Khu du lịch cảnh quan-sinh thái Ê Ban farm. Ảnh internet
Một góc Khu du lịch cảnh quan-sinh thái Ê Ban farm. Ảnh internet



Ê Ban farm rộng chừng 30 ha, ôm trọn hai phía sườn một ngọn đồi dài, tiếp giáp khoảnh rừng nguyên sinh trập trùng. Tháng 2-2020, khu du lịch này đã được UBND tỉnh công nhận là một trong 5 điểm du lịch trên địa bàn huyện Kon Plông. Bước vào Ê Ban farm, du khách ngỡ ngàng như lạc vào một “rừng kỳ hoa dị thảo” với miên man hoa lá được quy hoạch theo từng khu, từng cụm đủ sắc màu rực rỡ. Chính vì thế, Ê Ban farm được xem là điểm du lịch check-in không thể bỏ qua khi đến với Măng Đen. Tuy nhiên, gây ấn tượng mạnh nhất là cụm sim, mua tím rịm chiếm nửa chính diện tích của sườn đồi quay ra hướng cổng đi vào. Chủ nhân cho biết, cụm hoa mua này là giống Thái được trồng chen vào những gốc sim, mua mọc sẵn từ trước đó. Quan điểm của chị là giữ lại tất cả những bụi sim, mua bản địa; tuy nhiên loài này rất khó nhân giống hoặc di thực nên phải trồng thêm giống ngoại nhập để tạo cảnh quan.

Đến Ê Ban farm, du khách không những được trải nghiệm một cung đường xuyên sơn kỳ thú dưới bóng đại ngàn mà còn có thể tạt ghé mấy điểm phục vụ du lịch khác như: Khu sinh thái-cảnh quan hồ Đăm Ri, chùa Khánh Lâm, thác nước Pa Sỹ, Khu nông trại rau hoa xứ lạnh…

Chị Đoàn Thị Phượng cho hay, chị là “người Gia Lai chính hiệu”, gia đình hiện sinh sống ở đầu đường 25 (ngã ba Cheo Reo), huyện Chư Sê. Cha chị nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê. Năm 1991, khi tỉnh Gia Lai-Kon Tum chia tách, ông được điều về công tác tại Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum. Những dịp thăm cha, được đi chơi ở Măng Đen, vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú và khí hậu đặc biệt trong lành, mát lạnh quanh năm nơi đây khiến chị yêu thương mảnh đất này từ đó. Khi tỉnh Kon Tum quy hoạch Măng Đen thành Khu du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng thì chị đăng ký ngay suất đất (năm 2006), lập biệt thự tại khu Ê Ban hotel và Ê Ban homestay hiện nay; 10 năm sau (2016) mới lập thêm Ê Ban farm.

Đến Ê Ban farm, du khách đã được thưởng ngoạn một vườn hoa quy mô như một… vườn Thượng Uyển
Đến Ê Ban farm, du khách đã được thưởng ngoạn một vườn hoa quy mô như một… vườn Thượng Uyển (ảnh internet)



Đến Ê Ban farm, du khách đã được thưởng ngoạn một vườn hoa quy mô như một… vườn Thượng Uyển! (Thượng Uyển là tên gọi cũ của Măng Đen trước năm 1975). Tuy nhiên, du khách cũng nhận ra đôi chỗ còn… “ngổn ngang trăm việc”, bởi theo chủ nhân, công trình được làm dần theo điều kiện cho phép; còn nhiều hạng mục đang tiếp tục. Vậy nên, đường đường là một bà chủ, có nhiều công nhân giúp việc nhưng cũng lắm khi khách bắt gặp chị Phượng xắn tay áo đào cuốc trỉa trồng! Con người yêu thiên nhiên này thổ lộ: Chị muốn nhìn thấy thành quả từ chính đôi tay, chính công sức mình. Mặc dù công việc kinh doanh làm ăn chính là ở Kon Tum, lại là thành viên Hội Nữ doanh nhân tỉnh này, lắm việc bộn bề nhưng chị Phượng vẫn đi về như con thoi trên đoạn đường Măng Đen-Chư Sê và ngược lại, bởi chồng chị là bác sĩ đang công tác tại đó.

Tôi ước chừng việc xây dựng, tôn tạo cảnh quan sinh thái giúp Ê Ban farm đẹp tươi như vườn Thượng Uyển đòi hỏi phải đổ vào đó số vốn rất lớn, nhưng khi hỏi thì chị Phượng khiêm tốn tâm sự: Vì quá yêu Măng Đen nên chị muốn góp một phần nhỏ để tôn thêm cảnh sắc nơi đây; vừa phục vụ khách tham quan du lịch, cũng vừa là vì cuộc sống. Lòng không khỏi cảm phục bởi con người ấy, cảnh quan ấy đã góp phần làm nên diện mạo du lịch của “Đà Lạt thứ 2”-danh xưng mà người ta vẫn dùng cho Măng Đen.

 

 TẠ VĂN SỸ
 

Có thể bạn quan tâm