Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ở phía mùa xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi có thói quen ngồi lặng yên trong thời khắc sau Giao thừa. Vừa là để điểm lại những việc đã làm được hay chưa hoàn thành trong năm cũ, vừa để nghĩ về những dự định mà mình sẽ thực hiện trong năm mới. Buổi sớm đầu xuân bao giờ cũng gợi ra trong lòng tôi rất nhiều điều, có lẽ vì vậy, tôi luôn chuẩn bị một tâm thái thật tĩnh lặng trước mùa xuân mới chỉ vừa chớm đến.
Đã gần 30 năm thức dậy và lặng lẽ cảm nhận những buổi sớm chớm xuân, lần đầu tiên tôi gặp một sớm mùa xuân dùng dằng sương mù trên đất Tây Nguyên này. Có lẽ bởi cơn mưa nhỏ vào ngày cuối cùng của năm cũ trong cái rét ngọt tựa mưa xuân xứ Bắc. Tây Nguyên được biết đến là miền đất của nắng, của gió. Ở đây, nắng mưa phân kỳ rõ rệt nên giữa mùa khô mà mưa đổ xuống là một hiện tượng lạ.
Mùa xuân năm nay, đất nước cũng đón một cái Tết “lạ”. Những ngày cuối năm, dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp khiến nhiều người, nhiều gia đình phải thay đổi kế hoạch đón Tết để thích nghi với hoàn cảnh mới. Tết đoàn viên, với rất nhiều người, phải chuyển thành Tết an toàn. Nhiều thói quen trong ngày Tết đã thực sự thay đổi. Nhiều người chọn cách chúc Tết qua điện thoại, tin nhắn, không đến những chỗ đông người. Muôn hình muôn vẻ của một cái Tết thật đặc biệt được gửi đến nhau bằng hình ảnh.
Đường phố sớm chớm xuân vắng vẻ. Tôi rất thích những buổi sớm đầu năm như thế này. Nhìn mọi người, ai cũng thảnh thơi và ăn mặc thật chỉn chu, tươm tất. Những nhà có người thân đã mất thì việc đầu tiên của ngày đầu năm mới là đến thắp hương cho họ ở nghĩa trang, sau đó đi lễ chùa.
Người Việt sống theo một triết lý giản dị mà sâu sắc, đó là “lá rụng về cội”. Đi đâu, làm gì, dù giàu sang hay nghèo khó thì ngày cuối năm cũng soạn bữa cơm tươm tất để mời người đã khuất về ăn Tết, cũng là dịp để gia đình quây quần bên nhau. Và quanh năm bôn ba ngang dọc, dù ở bất cứ nơi nào thì những ngày Tết, người Việt cũng hướng về quê hương bản quán, nơi có những bữa cơm ấm áp sum vầy như vậy.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Nhìn những cụ bà với áo lam, áo gụ đi lễ chùa, tôi lại nhớ bà nội. Thuở còn bé tí, tôi đã được theo bà đi lễ chùa vào những ngày đầu năm. Bà lưng còng tóc bạc, miệng lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Bà nắm tay tôi đi trên con đường xanh mướt màu cỏ non và lắc rắc mưa xuân để bước đến một thế giới với đứa trẻ như tôi còn nhiều lạ lẫm.
Bà tôi giờ thành người thiên cổ, giàn trầu không vẫn vấn vít bên thân cau đang trổ những bẹ hoa ngát thơm trong một sớm chớm xuân. Bố tôi chọn những lá trầu và những quả cau đẹp nhất đặt bên mâm ngũ quả ngày Tết. Không biết bà tôi có về ăn Tết với chúng tôi thật không, nhưng từ một miền tâm linh, tôi cũng giống như bất cứ một người Việt nào, luôn tin rằng những người đã khuất, họ chỉ đi đến một thế giới khác thôi, chứ không rời bỏ người thân của mình.
Tôi đi dọc con đường ngoại ô. Cây pơ lang cổ thụ mùa xuân nào cũng trổ những đóa hoa đỏ rực vươn lên giữa nắng trời cao nguyên xanh trong vời vợi. Những cây mai vàng được mang về từ núi, trồng xuống trước sân nhà cũng rực rỡ những hoa. Trên những triền đồi, sắc trắng của hoa cà phê phủ lên màu đất bazan hứa hẹn một mùa vụ ngọt lành. Chồi non lộc biếc cũng như bừng thức để hòa vào sắc xuân tươi thắm.
Mùa xuân thường khởi đầu cho những ước mong tốt đẹp. Trong những ngày đầu xuân này, có lẽ điều mà mọi người mong đợi nhất là thế giới sớm kiểm soát được dịch bệnh, để mỗi người có thể quay trở lại với công việc, với những nếp sinh hoạt bình dị mà vì dịch bệnh, đang tạm phải thay đổi.
Một cái Tết đáng nhớ với biết bao người, trong đó có tôi. Dẫu không thể trở về quê hương, không được sum vầy bên mâm cơm đoàn viên ấm áp, nhưng lòng mỗi người đều hướng về nhau, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất khi mùa xuân đến. Thời gian vẫn tiến về phía trước, hoa vẫn nở, nắng vẫn rực rỡ, mùa xuân vẫn dâng tràn trên vạn vật. Vậy nên tôi luôn tin vào những tươi sáng đang đón đợi ở phía mùa xuân.
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm