Đô thị

Ôm nợ vì trót mua đất của FLCHomes

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều người đặt cọc hàng trăm triệu đồng mua đất ở Quảng Ngãi, đã có đơn tố cáo gửi cơ quan công an về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đối với Công ty FLCHomes
Ngày 16-5, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã tiếp nhận đơn tố cáo của một số công dân về hành vi vi phạm pháp luật của Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes - gọi tắt FLCHomes, có trụ sở tại Hà Nội.
Văn bản thỏa thuận
Anh D.H.M.N (ngụ TP Quảng Ngãi) - một trong nhiều người đã ký hợp đồng thỏa thuận đặt cọc thuộc dự án của FLC Quảng Ngãi - cho biết sau khi Tập đoàn FLC tổ chức khởi công rầm rộ dự án tại Quảng Ngãi vào cuối tháng 6-2019, thông qua người quen, anh N. đã liên hệ với FLCHomes, bày tỏ mong muốn mua một bất động sản có ký hiệu 7-SH.14-10 thuộc khu đô thị Vạn Tường 7, tại KKT Dung Quất - Quảng Ngãi (theo bản vẽ FLCHomes đưa ra).
Đến ngày 26-7-2019, anh N. và đại diện FLCHomes là bà Hương Trần Kiều Dung (chủ tịch HĐQT) đã thống nhất ký "văn bản thỏa thuận" mang số 7-SH.14-10… Trong nội dung thỏa thuận, bên anh N. đồng ý trả mức phí cho toàn bộ dịch vụ mà FLCHomes cung cấp như tư vấn chính sách giá, ưu đãi các dự án; hỗ trợ mua bất động sản khi chủ đầu tư mở bán… là 399,4 triệu đồng. Điều khá ngạc nhiên, trong văn bản thỏa thuận không nhắc gì đến bất động sản có ký hiệu 7-SH.14-10 mà anh N. cho rằng mình đã đặt mua.
Cùng với văn bản thỏa thuận, cũng trong ngày 26-7-2019, anh N. và FLCHomes thống nhất ký Phụ lục số 1, bổ sung cho "Văn bản thỏa thuận" đã ký trước đó. Trong phụ lục được ký, hai bên thống nhất ngoài số tiền đặt cọc 399,4 triệu đồng, anh N. tự nguyện đặt cọc bổ sung số tiền gần 1,6 tỉ đồng và được chia làm 7 lần đóng. Đến ngày 21-12-2019, anh N. tiếp tục đóng thêm 239,6 triệu đồng theo thông báo nộp tiền lần 1. Tiếp đó anh N. tiếp tục nhận thông báo lần 2, yêu cầu đóng thêm 159,7 triệu đồng…
"Qua 2 lần đóng tiền tổng cộng hơn 639 triệu đồng nhưng dự án chưa triển khai gì ngoài thực địa nên tôi không đồng ý tiếp tục đóng tiền... Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nên tôi nhiều lần gửi đơn yêu cầu giải quyết, trả lại tiền đã đóng nhưng không được FLCHomes phản hồi. Đến nay tôi đã gửi đơn tố cáo đến công an" - anh N. cho biết.
Ngoài trường hợp anh N., nhiều trường hợp tương tự khác cũng cho biết đều thông qua việc ký văn bản thỏa thuận, họ đã chuyển tiền đặt cọc cho FLCHomes mua bất động sản thuộc dự án FLC Quảng Ngãi. Trường hợp ít nhất hơn 500 triệu đồng, nhiều lên đến gần 700 triệu đồng. "Khi chuyển tiền cho họ, chúng tôi không nghĩ họ có thể lừa mình. Họ khởi công rầm rộ, quảng cáo dự án khắp nơi, lại là một tập đoàn lớn trong nước nên chúng tôi tin tưởng chuyển tiền" - chị T.T.N.N, một người đã ký thỏa thuận và chuyển tiền cho FLCHomes, nói.

Một dự án bất động sản của FLC ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Một dự án bất động sản của FLC ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Cần khởi kiện ra tòa
Trong đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an, anh D.H.M.N cho rằng bản chất của các văn bản thỏa thuận nêu trên là giao dịch mua bán bất động sản hình thành trong tương lai và huy động vốn thực hiện dự án nhà ở. Theo yêu cầu của FLCHomes, khách hàng phải ký vào các văn bản nêu trên mới thực hiện được giao dịch với họ.
"Rõ ràng FLCHomes biết mục đích của chúng tôi là muốn sở hữu một bất động sản trong tương lai và họ biết dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng vẫn hướng dẫn và dụ dỗ chúng tôi ký vào các văn bản thỏa thuận để từ đó họ chiếm đoạt tiền của chúng tôi" - anh N. nói.
Luật sư Nguyễn Xuân Vũ, Công ty Luật LHT & Cộng sự (TP Quảng Ngãi), cho biết đến thời điểm này, văn phòng của ông đã tiếp nhận 4 trường hợp đã ký các văn bản thỏa thuận đến nhờ tư vấn pháp lý. Qua nghiên cứu, xem xét các hồ sơ, nhận thấy đến thời điểm này, FLCHomes đã vi phạm thời gian, hợp đồng thỏa thuận đã ký kết giữa các bên. Trong các thỏa thuận có nhiều nội dung lập lờ gây nhầm lẫn cho khách hàng… Nội dung thỏa thuận ghi phí môi giới dịch vụ nhưng bản chất là hợp đồng đặt cọc để mua đất dự án. Đây là chiêu thức lách luật nhằm huy động vốn trá hình, trong khi điều kiện mở bán dự án chưa đủ.
"FLCHomes đã biến các thỏa thuận đó thành các thỏa thuận môi giới phí dịch vụ. Tiền họ đã nhận trong các thỏa thuận đó là tiền phí dịch vụ… Việc này, người mua cần có đơn gửi cơ quan công an tố cáo hoặc cần khởi kiện ra tòa" - luật sư Vũ hướng dẫn. 
Các dự án FLC ở Quảng Ngãi "có vấn đề"
Theo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi - đơn vị quản lý các dự án FLC Quảng Ngãi, phần lớn các dự án của FLC Quảng Ngãi đều triển khai ở địa bàn KKT Dung Quất nhưng sau khi khởi công và triển khai đền bù với số ít hộ dân, mấy năm qua dự án hầu như bị đình trệ. Hiện chỉ có 2 trong số các dự án của FLC được giao đất nhưng tỉ lệ giao đất cũng rất thấp. Trong đó, dự án Khu đô thị Vạn Tường 7 mới chỉ giao 1,4 ha trong tổng số 30 ha; còn dự án Khu đô thị Vạn Tường 8 mới chỉ giao 6.600 m2 trên tổng số 46,6 ha.
"Hiện nay theo kết luận của Thường vụ Tỉnh ủy cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh, tất cả các dự án liên quan đến thương mại, dịch vụ, khu dân cư đều phải thực hiện quy trình đấu thầu. Cả 9 dự án cấp phép cho FLC đều không thông qua đấu thầu và rơi vào nhóm này. Do đó, tất cả mọi công việc liên quan đến các dự án này đều tạm dừng bấy lâu nay để thực hiện quy trình đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư" - ông Nghĩa cho biết.
Theo Bài và ảnh: Tử Trực (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm