Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Ông chủ Cocobay Đà Nẵng nói về lợi nhuận cam kết 12% đã 'vỡ trận'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ tịch Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (còn có tên gọi là Empire Group) thừa nhận, việc đưa ra cam kết lợi nhuận 12% cho khách hàng mua condotel dự án Cocobay Đà Nẵng là dựa trên đà dòng tiền…
Tại buổi gặp mặt truyền thông chiều ngày 8/5, ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Công ty Thành Đô) – chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng chia sẻ, quyết định chấm dứt cam kết thu nhập "cực chẳng đã" hồi cuối năm 2019 được đưa ra sau 6 tháng cân nhắc vì doanh nghiệp không thể thực hiện cam kết chi trả mức lợi nhuận 12%/năm.
Trong suốt quá trình vận hành dự án 2017-2019, doanh nghiệp đã chi gần 2.000 tỷ đồng để trả thu nhập cam kết cho chủ sỡ hữu trong khi doanh thu từ khai thác kinh doanh chưa đạt 1/3.
Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô.
Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô.
Trả lời câu hỏi về lý do vì sao Thành Đô lại đưa ra cam kết lợi nhuận 12% cho khách hàng mua dự án này, ông Thành cho rằng, đó là câu chuyện của cả ngành bất động sản. Trong những năm 2016 -2017, không riêng Thành Đô mà còn nhiều ông lớn bất động sản khác, có "ông" cam kết lên tới 14% dựa trên đà dòng tiền để tính.
"Thực ra khi vận hành, chúng tôi mới thấy khó khăn và không thể thực hiện được mức cam kết trên. Thế nên, sau khi chúng tôi tính toán lại thì đưa mức lợi nhuận cam kết xuống 6 -7%", ông Thành thừa nhận. 
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Thành cho biết, dịch Covid-19 khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng. Toàn bộ khối vận hành kinh doanh khách sạn phải đóng cửa, chưa biết bao giờ mới phục hồi do trên 70% khách của dự án là khách quốc tế.
Việc kinh doanh các hạng mục bất động sản đã đủ pháp lý khó phục hồi nên kế hoạch thoả thuận chi trả thu nhập cam kết của chủ đầu tư với khách hàng, lẽ ra hoàn thành năm 2020, có thể bị điều chỉnh trễ hơn so với dự kiến. Dù bị trễ, chủ đầu tư vẫn đảm bảo thực hiện chi trả theo đúng cam kết.
"Theo nguyên tắc, việc chi trả cam kết, tiền trả cho khách chọn thanh lý hợp đồng là dựa vào nguồn thu từ vận hành, kinh doanh bất động sản và tài trợ của ngân hàng. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ còn có thể dựa vào SHB", Chủ tịch Thành Đô nói.
Ông Troy Griffiths - Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, các chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm thường tính mức lợi nhuận cam kết vào giá bán condotel ban đầu nhưng lại không đầu tư mức chênh lệch này vào dự án.
Nhà đầu tư condotel vì vậy không nhận lại được giá trị từ phần chênh lệch mà họ phải trả so với giá thị trường (gọi là phần bù - premium), thì những mức lợi nhuận cam kết cao trong dài hạn càng trở nên hấp dẫn đến mức phi lý.
Cũng theo ông Troy, cách đây 2 – 3 năm, khi condotel phát triển bùng nổ tại Việt Nam, cam kết lợi nhuận là một chính sách phổ biến của các chủ đầu tư để thu hút khách hàng.
Dường như đã xảy ra một cuộc cạnh tranh giữa các dự án về mức lợi nhuận cam kết, dẫn đến những mức lợi nhuận cam kết cao khó tin. Đã có những cảnh báo đưa ra về những cam kết này, nhưng vẫn không ít nhà đầu tư chạy theo mức lợi nhuận hấp dẫn.
Qua thời gian, khi các dự án Condotel này đi vào vận hành, những cam kết lợi nhuận trước đây mới hé lộ tính bất khả thi, dẫn đến việc phải chấm dứt cam kết lợi nhuận với các chủ sở hữu Condotel.
Theo Trần Kháng (Dân Việt)
https://danviet.vn/ong-chu-cocobay-da-nang-noi-ve-loi-nhuan-cam-ket-12-da-vo-tran-20200509154430189.htm

Có thể bạn quan tâm