Xã hội

Ông Krung Dăm Veo: “Người dân còn khó khăn thì đảng viên sao có thể nghỉ ngơi”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Krung Dăm Veo (Y Veo, trú tại làng Piơm, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) là cán bộ hưu trí với hơn 60 năm tuổi Đảng. Ông luôn sống gần gũi, tận tụy với bà con nên được mọi người quý mến.

Ông Krung Dăm Veo sinh năm 1943 trong một gia đình nghèo, có 4 anh chị em ở huyện Kông Chro. Từ nhỏ, cậu bé Krung Dăm Veo đã chịu nhiều thiệt thòi. Chưa tròn 10 tuổi, mẹ mất, cha thì bị thực dân Pháp bắt làm phu. Anh em ông không có người nương tựa, phải tự bươn chải nuôi nhau, cuộc sống khó khăn cơ cực.

Hàng ngày, chứng kiến gia đình và buôn làng bị thực dân Pháp áp bức, lòng căm thù giặc lớn dần trong ông. “Ngày đó, giặc Pháp đi đến đâu gây đau thương đến đó, đốt nhà rông, phá nhà cửa, áp bức, bóc lột dân lành. Chúng bắt hết đàn ông làm phu, không cho ở nhà trồng trỉa. Trai tráng khỏe mạnh thì bắt đi lính”-ông Veo hồi nhớ.

Năm 12 tuổi, ông được giác ngộ và theo bộ đội làm cách mạng. Ông hoạt động rất hăng hái, nhanh nhẹn, được cán bộ tin tưởng giao làm giao liên, dẫn đường, vận chuyển hàng hóa; làm du kích, giữ bí mật, bảo vệ cán bộ hoạt động trong lòng địch.

Sau này, ông thuộc biên chế đơn vị 50, Tỉnh đội Gia Lai. Khi thành lập Quân khu 6 (trước đây gồm các tỉnh Lâm Đồng, Đak Lak, Bình Thuận, Ninh Thuận và một phần phía Bắc tỉnh Đồng Nai), ông Veo được biên chế về một đơn vị thuộc Sư đoàn 321, Quân khu 6, tham gia nhiều trận đánh trên chiến trường Tây Nguyên. Năm 1961, khi tròn 18 tuổi, ông Krung Dăm Veo vinh dự được kết nạp vào Đảng. Xông pha trận mạc, thương tích đầy mình, năm 1967, ông được đưa ra Bắc chữa trị và học tập.

Đến năm 1972, ông trở về Gia Lai, trực tiếp hoạt động trên chiến trường Tây Nguyên cho đến ngày giải phóng. Ôn lại những kỷ niệm một thời hào hùng trong những năm đánh Mỹ cứu nước, ông Veo không giấu được niềm tự hào: “Ngày 20-3-1961, tôi được kết nạp vào Đảng. Đây là vinh dự lớn nhất. Vinh dự thứ hai là năm 1965, tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhì. Với tôi, đây là điều hết sức đặc biệt vì chính Bác Hồ là người ký tặng. Đến năm 2009, đồng chí Nguyễn Minh Triết lúc đó đang là Chủ tịch nước, trong chuyến thăm tỉnh đã ghé thăm nhà, tôi mừng lắm”.

Ông Krung Dăm Veo hạnh phúc bên con cháu (ảnh gia đình cung cấp).

Ông Krung Dăm Veo hạnh phúc bên con cháu (ảnh gia đình cung cấp).

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), ông Veo tham gia công tác nhiều vị trí. Ở cương vị nào, ông cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điển hình như khi là Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, rồi Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ông đã tổ chức cho lực lượng thanh niên xung phong khai hoang hơn 23 ngàn ha đồng ruộng tại Bờ Ngoong (Chư Sê) và một số nơi khác; mở rộng các nông trường chè Bàu Cạn, Biển Hồ, vận động đồng bào Bahnar, Jrai định canh định cư, hướng dẫn bà con cách chăn nuôi, trồng trọt, làm lúa nước... Nhờ vậy, đời sống của bà con dần thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu.

Khi là Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, ông lại xông pha trên mặt trận dân vận, giúp bà con dân tộc thiểu số hiểu rõ âm mưu đen tối của bọn phản động FULRO lưu vong. Không kể ngày đêm, nắng mưa, ông cùng đoàn cán bộ xuống tận buôn làng để khuyên giải, phân tích cho bà con hiểu rõ những việc làm sai trái, xấu xa của bọn phản động và vận động những người lầm lỡ trở về đoàn tụ với gia đình, chung tay xây dựng buôn làng.

Ông Alưng-Cán bộ Hội Nông dân huyện Đak Đoa-khẳng định: “Ông Veo là một đảng viên kỳ cựu, uy tín, là người học sâu hiểu rộng, gần gũi với dân. Ông có nhiều đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền bằng cả tâm huyết của mình. Gia đình ông cũng rất gương mẫu, con cái đều học hành đến nơi đến chốn”.

Còn bà H’Yao (làng Piơm) thì chia sẻ: “Ông Veo sống rất gần gũi với bà con dân làng, thường xuyên quán xuyến mọi việc lớn nhỏ, chỉ bảo con cháu điều hay, lẽ phải”.

Hiện nay, dù tuổi cao, sức yếu, vết thương cũ tái phát khiến việc đi lại rất khó khăn, nhưng ông Veo vẫn không cho phép bản thân được nghỉ ngơi. Ông tâm niệm: “Buôn làng còn nghèo, người dân còn khó khăn thì đảng viên sao có thể nghỉ ngơi”.

Vì lẽ đó, ông tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; xây dựng nếp sống văn minh, khuyên bảo con cháu học hành, không trốn tránh nghĩa vụ quân sự, không làm những việc sai trái.

Ông Veo bộc bạch: “Sau khi nghỉ hưu, tôi về sinh sống tại làng Piơm. Buôn làng còn nghèo, người dân còn khó khăn thì sao mà yên lòng nghỉ ngơi được. Mình là đảng viên phải gương mẫu, tiếp tục tham gia Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh để vận động, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới, đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương”.

Có thể bạn quan tâm