Ông Trần Lưu Quang - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, cho rằng vấn đề đất đai rất nhạy cảm và cần có sự thay đổi nhất định để quản lý hợp lý hơn.
Sáng 18-6, ông Trần Lưu Quang - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cùng tổ đại biểu Quốc hội số 1 (Đoàn ĐBQH TP.HCM) đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang trao đổi với cử tri quận 1. Ảnh: TÁ LÂM |
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội cần giám sát mạnh việc quản lý, sử dụng đất đai. Theo cử tri, nhiều cơ quan, tổ chức được giao quản lý các khu đất, trụ sở văn phòng nhưng không sử dụng, cho thuê lại, gây lãng phí cho nhà nước trong khi TP.HCM lại thiếu đất để xây trường học.
“Đất đai là tài nguyên vô giá nhưng đến nay vẫn quản lý, sử dụng lãng phí. Tôi đề nghị Quốc hội cần giám sát sâu hơn, công khai những sai phạm cũng như kết quả xử lý việc lãng phí đó” - cử tri Lê Minh Số đề nghị.
Đồng tình với việc tới đây Quốc hội sẽ giám sát việc quản lý sử dụng đất ở đô thị, ông Trần Lưu Quang cho rằng đây là một vấn đề rất lớn, rất nhạy cảm và có lẽ cần có sự điều chỉnh thay đổi nhất định để có sự quản lý hợp lý hơn.
Theo ông Quang, chúng ta đang lãng phí rất lớn nguồn lực đất đai. Lãng phí từ góc độ chính quyền; một số dự án vì lý do này khác mà đang nằm bất động, trùm mền để đó. Góc độ thứ hai là ở những ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có sự quản lý chưa hiệu quả.
Ông Quang cũng kể câu chuyện nhiều năm về trước khi Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đến thăm huyện biên giới Tân Biên, lúc rẽ vào sân, ông Nông Đức Mạnh nói: “Ồ xe tới Huyện ủy rồi à. Sao các đồng chí để đất trống nhiều vậy?”. Bởi vì sân của Huyện ủy Tân Biên để trống, không trồng cây kiểng gì hết.
“Ngoài quê chúng tôi, nếu diện tích đất như thế này thì nó đã nuôi sống được 2 gia đình” – ông Quang thuật lại lời ông Nông Đức Mạnh và cho biết ông nhớ mãi câu nói đó.
Theo ông Quang, hiện nay giá trị đất ở đô thị, đặc biệt ở quận 1 tăng lên từng ngày nên phát sinh những vấn đề liên quan đến quản lý sử dụng, phát sinh những xung đột giữa những người có cùng việc quản lý như nhau. “Ví dụ như anh em trong gia đình ngày xưa không có chuyện gì nhưng khi đất đai có giá lại hục hặc” – ông Quang nói.
Từ đó, ông Trần Lưu Quang cho rằng cần thiết phải có sự giám sát để thay đổi trong chừng mực nào đó, có chính sách hợp lý hơn để quản lý sử dụng đất cho tốt, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà nước và người dân.
TÁ LÂM (PLO)