Kinh tế

Giá cả thị trường

Ôtô hết cửa "làm giá" cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Không còn cảnh bắt tay làm giá mỗi dịp cuối năm, giờ đây các hãng ôtô lẫn đại lý đang đau đầu tìm cách giải quyết lượng hàng tồn lên tới cả trăm ngàn chiếc
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu 10 tháng qua đạt 123.484 xe các loại, với trị giá hơn 2,7 tỉ USD, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2018. Còn số liệu của Bộ Công Thương cho thấy sản lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước 10 tháng đạt 284.200 chiếc, tăng 8,6% so cùng kỳ. Như vậy, sản lượng ôtô cả nhập khẩu và sản xuất trong nước đều tăng, đạt 404.200 chiếc.
Trong khi đó, báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy 10 tháng qua, doanh số bán ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước của các doanh nghiệp (DN) thành viên đạt 153.144 chiếc và xe nhập khẩu của toàn ngành (tính cả các DN không thuộc VAMA) là 106.138 chiếc. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 12%, trong khi xe nhập khẩu tăng 118%, so cùng kỳ năm ngoái.
Cộng cả doanh số bán của các DN không thuộc VAMA, 10 tháng qua ước tính cả nước có 240.000 chiếc ôtô lắp ráp trong nước được tiêu thụ và lượng xe tồn khoảng 40.000 chiếc các loại. Với xe nhập khẩu, lượng xe chưa tiêu thụ còn khoảng 17.000 chiếc. Tính chung cả thị trường ôtô, lượng xe tồn lên tới gần 60.000 chiếc các loại. Trong khi đó, 2 tháng cuối năm, xe lắp ráp vẫn tiếp tục "ra lò", còn xe nhập vẫn đổ về với số lượng hàng chục ngàn chiếc mỗi tháng.
Ông Nguyễn Văn Tân, giám đốc một doanh nghiệp phân phối ôtô tại TP HCM, cho rằng con số trên chỉ là lý thuyết, tức lượng xe mà các hãng "rót" xuống đại lý hằng tháng. Còn lượng tiêu thụ thực tế của mỗi đại lý lại thấp hơn nhiều. Chẳng hạn một nhà phân phối có khả năng bán 100 xe/tháng nhưng một số tháng chỉ bán được 40%, tức tháng đó tồn đến 60 chiếc. Cộng dồn nhiều tháng, mỗi đại lý tồn kho cả trăm chiếc; còn nhìn trên toàn thị trường đến thời điểm này, lượng xe chưa bán được có thể lên tới cả trăm ngàn chiếc. Do lượng hàng tồn quá lớn, các hãng không còn cách nào khác phải tung tới tấp chương trình ưu đãi trị giá cả trăm triệu đồng cho khách mua những mẫu bán chậm; đại lý cũng muốn đẩy hàng càng nhanh càng tốt nên chấp nhận bỏ tiền túi tặng thêm cho khách từ 20-50 triệu đồng bằng các gói dịch vụ, phụ kiện, thậm chí trừ thẳng vào giá. "Có thể nói, chưa có mùa mua sắm cuối năm nào mà khách mua ôtô lại được o bế nhiều như năm nay" - ông Tân nhận xét.
 
Thị trường ôtô cuối năm 2019 đang có diễn biến trái ngược những năm trước do lượng xe tồn kho lớn. Ảnh: Nguyễn Hải
Lãnh đạo hãng Ford Việt Nam thừa nhận lượng xe tồn kho của các DN và tại đại lý đang rất lớn. Nguyên nhân từ việc các hãng kỳ vọng quá lớn vào sức tiêu thụ năm 2019 nên đua nhau lắp ráp và nhập khẩu, mục tiêu tăng 30% nhưng đến thời điểm này, mức tăng thực tế mới đạt 15%-17%, tương đương năm 2018.
Dù đang giảm giá rất nhiều nhưng hầu hết các đại lý ôtô đều lo ngại khó giải quyết hết lượng hàng tồn trong những tháng cuối năm, bởi xe nhập khẩu cả đời cũ lẫn đời mới vẫn tiếp tục tràn về với số lượng lớn, trong khi người tiêu dùng lại có tâm lý chờ những mẫu xe đời 2020 giảm giá mới chịu bỏ tiền ra mua chứ không mua xe đời 2019, thậm chí xe đời 2018 vẫn còn khá nhiều dù giá giảm khá sâu.
Giới kinh doanh nhận định nguồn cung ôtô trong năm 2020 sẽ nhiều hơn do công suất sản xuất, lắp ráp trong nước tiếp tục tăng, hãng ôtô Trường Hải mở rộng, nâng công suất nhà máy KIA từ 20.000 xe lên 50.000 xe/năm; Tập đoàn TC Motor sắp đầu tư một nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô mới, công suất 100.000 xe/năm; Ford Việt Nam mở rộng nhà máy tại Hải Dương, nâng công suất lên gấp đôi. Hãng VinFast cũng đang tăng công suất và sắp sửa tung thêm nhiều mẫu xe mới. Bên cạnh đó, Nghị định 116 đang được sửa đổi theo hướng bỏ kiểm tra chất lượng ôtô theo lô, thay bằng kiểm tra theo mẫu, dự kiến áp dụng từ đầu năm 2020, nên việc nhập khẩu ôtô nguyên chiếc sẽ tăng đáng kể. Những chính sách ưu đãi miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho linh kiện sản xuất trong nước, thuế thu nhập DN… nếu được ban hành sẽ kéo giá xe giảm đáng kể. Do đó, các hãng ôtô dự báo nhu cầu ôtô trong năm 2020 sẽ tăng hơn 20%. Tuy nhiên, giá xe sẽ không tăng, ngược lại vẫn có thể giảm. 
Xe sang giảm giá mạnh
Theo ghi nhận của phóng viên, những mẫu xe có lượng tồn kho lớn đang được các hãng và đại lý ưu đãi, giảm giá khá mạnh. Trong đó, mạnh nhất là phân khúc SUV 7 chỗ, khi Nissan Tera giảm từ 80 - 210 triệu đồng, Chevrolet Trailblazer giảm 100 triệu đồng, Toyota Fortuner cũng giảm 100 triệu đồng, Ford Everest giảm 70 - 90 triệu đồng...
Với phân khúc hạng B, Mazda 2 giảm 70 triệu đồng, Toyota Vios giảm 40 - 60 triệu đồng, Honda City giảm 30 - 50 triệu đồng...
 Nguyễn Hải (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm