Kinh tế

Nông nghiệp

Phá thế độc canh để giảm thiểu rủi ro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều hộ dân trong tỉnh Gia Lai đã chọn mô hình đa canh trên cùng một diện tích nhằm phát huy lợi thế của đất, tận dụng tốt nhất nguồn nước tưới, dinh dưỡng và phân bón. Mô hình này giúp tạo nguồn thu nhập ổn định, giảm thiểu rủi ro khi giá nông sản biến động.

Hiệu quả từ mô hình đa canh

Theo giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Quân (thôn 7, thị trấn Ia Kha), một điển hình trong việc đa dạng hóa các loại cây trồng. Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn rộng 3 ha với nhiều loại cây ăn quả như: mít, sầu riêng, ổi, chôm chôm, hồng xiêm… đan xen nhau ngay hàng thẳng lối, ông Quân cho biết: Trước đây, ông độc canh cây cao su nhưng không hiệu quả. Năm 2018, ông quyết định cải tạo đất để trồng bơ, sầu riêng, chôm chôm; diện tích trống còn lại thì trồng xen cây cà phê để lấy ngắn nuôi dài.

“Tôi chọn đa canh phòng khi loại quả này mất giá sẽ có loại quả khác thay thế. Ngoài ra, việc xen canh nhiều loại cây ăn quả để mùa nào thức nấy đáp ứng nhu cầu của thị trường”-ông Quân lý giải. Sau vài năm kiến thiết cơ bản, dự kiến vụ tới, gia đình ông Quân sẽ có thu nhập ổn định từ hơn 1.000 cây cà phê, 350 cây sầu riêng, 100 cây ổi, hơn 100 cây hồng xiêm và vài chục cây chôm chôm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Quân (thôn 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đa dạng hóa cây trồng để giảm thiểu rủi ro khi giá nông sản biến động. Ảnh: Phạm Ngọc

Gia đình ông Nguyễn Văn Quân (thôn 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đa dạng hóa cây trồng để giảm thiểu rủi ro khi giá nông sản biến động. Ảnh: Phạm Ngọc

Hơn 4 năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Bát (thôn Nông Trường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) cải tạo vườn hồ tiêu để chuyển sang trồng 1.200 cây cà phê, 800 cây chanh dây, hơn 1.000 cây đu đủ cùng đương quy, ớt và rau củ. Trong khu vườn 1,8 ha của gia đình ông, các loại cây được trồng rất bài bản và khoa học. Phía trên vườn cà phê là giàn chanh dây trĩu quả. Còn phần đất trồng đu đủ thì bên dưới được trồng đương quy, rau củ, ớt. Ngoài ra, ông còn dành phần đất để làm vườn ươm giống cây đu đủ và các loại rau củ.

Ông Bát hồ hởi cho hay: “Vụ vừa rồi, vườn cà phê thu được 2 tấn nhân, bán với giá 42 triệu đồng/tấn. Dự kiến vụ tới, năng suất cà phê sẽ tăng gấp đôi. Trong khi đó, diện tích trồng đương quy cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Đặc biệt, với trên 1.000 cây đu đủ, mỗi tháng, gia đình thu nhập 30 triệu đồng. Cây đu đủ hiện là nguồn thu chính của gia đình vì cho thu hoạch quanh năm”.

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Xu hướng phá thế độc canh để chuyển sang đa canh đang được nhiều người dân chọn lựa. “Thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định nên độc canh sẽ rất rủi ro. Bài học về cây hồ tiêu, chanh dây rớt giá, mất mùa là minh chứng cho thấy nếu chỉ trồng một loại cây sẽ rất mạo hiểm. Chính vì vậy, người dân chuyển sang trồng nhiều loại cây để khi thất bại với cây này còn có cây khác bù vào”-ông Hợp lý giải.

Hài hòa lợi ích

Việc đa canh thuận theo tự nhiên, hạn chế tối đa sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu nhằm sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái đang được nhiều người dân hướng đến. Ông Bát cho biết: Hiện vườn cà phê và chanh dây của gia đình ông được trồng theo hướng VietGAP, còn đu đủ thì trồng theo hướng hữu cơ. Ông không dùng hóa chất mà chủ yếu sử dụng phân chuồng bón cho cây trồng.

Cũng theo ông Bát, để đảm bảo môi trường sinh thái, vườn cây được gia đình để cỏ mọc tự nhiên làm thảm thực vật giúp giữ ẩm cho đất trong mùa khô, chống rửa trôi dinh dưỡng vào mùa mưa. Cỏ cũng tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng và các loại vi sinh vật có ích trong đất sinh sống. Vì vậy, đất luôn tơi xốp, thoáng khí, giúp rễ cây thuận lợi hấp thụ dưỡng chất.

Được trồng theo hướng hữu cơ, vườn đu đủ của gia đình ông Nguyễn Văn Bát (thôn Nông Trường, xã Ia Pal) cho thu nhập 30 triệu đồng/tháng. Ảnh: Phạm Ngọc

Được trồng theo hướng hữu cơ, vườn đu đủ của gia đình ông Nguyễn Văn Bát (thôn Nông Trường, xã Ia Pal) cho thu nhập 30 triệu đồng/tháng. Ảnh: Phạm Ngọc

Trước những lo ngại về việc trồng nhiều loại cây trên cùng một diện tích sẽ khiến nguồn dinh dưỡng trong đất bị cạn kiệt, ông Bát chia sẻ: “Trước khi trồng, tôi lựa chọn các loại cây phù hợp với chế độ chăm sóc, sử dụng nguồn nước, dinh dưỡng giống nhau. Ngoài ra, tôi trồng thêm các loại rau củ và ớt trong vườn đu đủ. Không chỉ có thêm nguồn thu khoảng 100 triệu đồng/năm, những loại cây ngắn ngày này còn làm phế phẩm để bổ sung phân bón cho vườn cây tạo thành một quy trình khép kín”.

Còn theo ông Quân, việc đa canh giúp cây trồng dựa vào nhau để phát triển, hướng đến yếu tố tạo cảnh quan môi trường sinh thái. Chẳng hạn, độc canh cây sầu riêng mà không có bóng mát cũng như độ ẩm sẽ rất khó phát triển. Vì vậy phải trồng thêm cây bơ, hồng xiêm, cà phê để tạo bóng mát và giữ độ ẩm cho nhau.

“Trước đây, việc xử lý đất trước khi trồng ít được người dân quan tâm, dẫn đến vườn cây dễ bị sâu bệnh. Chính vì vậy, việc đa canh giúp các loại cây trồng hỗ trợ nhau phòng trừ sâu bệnh. Chẳng hạn trồng ổi xen với sầu riêng sẽ giúp xua đuổi các loại sinh vật gây hại. Ngoài ra, tôi chủ yếu sử dụng phân chuồng trộn với vỏ cà phê ủ men làm phân vi sinh bón cho cây trồng. Chính vì vậy, dinh dưỡng trong đất luôn được đảm bảo, vườn cây phát triển tốt”-ông Quân chia sẻ.

Trao đổi với P.V, ông Hoàng Thi Thơ-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho biết: Trồng một loại cây sẽ dễ chăm sóc hơn so với đa canh và năng suất cũng tốt hơn. Tuy nhiên, nếu đa canh mà người dân biết bố trí các loại cây phù hợp với nhiều tầng tán khác nhau cũng sẽ mang lại hiệu quả. Ngoài ra, đa canh còn giúp cho việc cải tạo đất tốt hơn, các loại cây tận dụng được nguồn nước, phân bón của nhau, giảm chi phí đầu tư của người dân.

Có thể bạn quan tâm