Đô thị

Phải chỉ định thầu dự án BOT: Vẫn còn dấu hỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời hạn chuẩn bị hồ sơ chỉ có 1 tháng thậm chí 15-20 ngày là quá ngắn, nên trở thành sơ hở trong khâu làm hồ sơ mời thầu của Bộ GTVT.

Thời gian 1 tháng là quá ngắn

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV diễn ra vừa qua, ĐBHQ Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu việc một số cử tri là doanh nghiệp (DN) cho biết ở một số địa phương, chỉ một hai DN hoặc công ty con của các DN đó được giao rất nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật thông qua chỉ định thầu hoặc đấu thầu nhưng có hiện tượng "dàn xếp".

 

Dự án BOT không có nhà đầu tư tham gia nên không thể đấu thầu.
Dự án BOT không có nhà đầu tư tham gia nên không thể đấu thầu.

Trả lời ĐBQH, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định không có dự án nào là không tổ chức đấu thầu hay không công khai trên trang web của Bộ KH-ĐT, với thời hạn theo quy định là 1 tháng, còn có dự án kéo dài hơn.

Trong thời gian đó, các nhà đầu tư nếu quan tâm sẽ nghiên cứu thông tin, hồ sơ để tham gia đấu thầu. Với những dự án có từ 2 nhà đầu tư tham gia trở lên, Bộ GTVT sẽ tiến hành đấu thầu.

Tuy nhiên, thời gian qua triển khai nhiều dự án BOT, giai đoạn này nhiều nhà đầu tư chưa rành thủ tục dự án BOT nên ít quan tâm.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 26/6, TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc NXB Giao thông cho biết: "Ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT cũng có ý đúng, nhưng cũng có ý chưa xác đáng.

Bộ trưởng nói quảng bá rồi không ai đến đăng ký nên phải chỉ định thầu, vậy thì có thể có nhưng chắc chỉ 2-3 dự án rơi vào trường hợp như vậy. Còn cách đây 5-7 năm dư luận xã hội kêu nhiều về việc các dự án BOT "ngon" có chỉ định thầu, vậy Bộ GTVT giải thích ra sao?.

Tức là không thể lấy thiểu số để nói về đa số, thậm chí có thể đặt ra câu hỏi có lợi ích nhóm, đưa người này người khác, những ông chủ xây dựng có tên tuổi để chỉ định thầu không?.

Nói rõ thêm, ông Thủy phân tích rõ: "Ở đây có vài điểm không đúng:

Thứ nhất, chỉ định thầu do không nhà đầu tư nào tham gia, không đủ 2 nhà đầu tư để đấu thầu là khó chính xác. Vì mỗi doanh nghiệp vốn dĩ đã có sẵn phương tiện, có hàng nghìn công nhân, nên nếu có dự án chắc chắn họ sẽ phải làm, được Bộ GTVT, KH-ĐT thông báo thì họ thậm chí rất mừng.

Điều đáng quan tâm là cơ chế, cách làm thì cần xem xét có công bằng, minh bạch hay không?. Nếu công bằng thì ai có năng lực thì làm, đảm bảo chất lượng, an toàn với mức giá phù hợp.

Thứ hai, thời hạn chuẩn bị chỉ có 1 tháng thậm chí ít hơn, đó là sơ hở trong khâu làm hồ sơ mời thầu, thời gian quá ngắn. Ít nhất với các dự án làm đường thì số vốn ứng hồ sơ thầu lớn, thì phải có thời gian chuẩn bị tài chính, xem xét thực tiễn có nên làm hay không, có lời hay không, có đủ năng lực để thực hiện.

Đây cũng là cách gây khó cho nhà đầu tư tham gia đấu thầu, nên có quyền đặt dấu hỏi nghi ngờ, liệu có việc chỉ một doanh nghiệp được báo trước rồi nộp hồ sơ tham gia.

Bởi vì, họ phải xem xét bình địa, thực tế dự án đó ưu khuyết điểm ra sao, thậm chí, biết tuyến đó hiện tại, tương lai bao nhiêu xe cộ đi qua, nhiều thì mới đấu thầu; chi phí ra sao, công nghệ thế nào, đủ thiết bị, công nghệ tốt đáp ứng hay không; tình hình nhân lực, kỹ năng, có đảm bảo hay không, sự đồng thuận hợp lý của tuyến đường đó thế nào; vấn đề nguồn vốn phải vay Ngân hàng bao nhiêu, lãi suất ra sao, có đảm bảo thu hồi vốn vẫn có lãi hay không?.

Nếu làm chỗ này đặt BOT chỗ khác thì nhà đầu tư đối diện với việc không hoàn được vốn, bị phản đối thì sẽ càng khó khăn thêm.

Chính vì thế, nên không thể chỉ trong vòng 20-30 ngày mà có thể nghiên cứu được hết các yếu tố trên. Cho nên, hoàn toàn có thể có lợi ích nhóm, có đơn vị được báo trước gói thầu".

Bên cạnh đó, cũng theo ông Thủy, sau sự việc trên, nên có thông báo rộng rãi, kéo dài thời gian hơn đến 3-4 tháng cho một gói thầu để lựa chọn đơn vị có năng lực và phù hợp.

Chỉ định thầu có giữ nguyên các điều kiện

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Toản - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn đường bộ, Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, việc đáng chú ý ở đây là nếu chỉ định thầu vì không có nhà đầu tư tham gia thì có giảm tiêu chí gói thầu hay không.

Hiện nay các dự án BOT đang đúng là thiếu đi sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư do một số các vụ lùm xùm vừa qua xảy ra.

Nhưng nếu chỉ định thầu do chỉ có một nhà đầu tư, thì Bộ có hạ tiêu chuẩn, cộng thêm nhiều ưu đãi hơn cho người được chỉ định hay không?.

Đặc biệt, khi chỉ có một nhà đầu tư thì mức giá gói thầu có được lựa chọn mức thấp nhất, hợp lý hay không?. Nếu có việc hạ tiêu chuẩn thì đó là sai, còn theo đúng hồ sơ mời thầu thì không sao.

"Bản chất không phải chỉ định hay không mà cái điều kiện có đảm bảo hay không. Nếu nêu ra điều kiện khắt khe chẳng ai tham gia được, rồi khi có một đơn vị đăng ký thì lại giảm đi điều kiện, cho thêm các ưu đãi khác", ông Toản chỉ rõ. 

Châu An/tintuc

Có thể bạn quan tâm