Thời sự - Bình luận

Phải coi việc 'giết' cây là tội ác để nghiêm trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều diện tích rừng thông nằm trên đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất thuộc lâm trường hoặc ban quản lý rừng phòng hộ ở tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình đang ngày đêm bị bức tử, đầu độc bằng đủ thủ đoạn.
Vết ken đẽo còn mới ở trong khu vực rừng thông thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông. Ảnh: Hưng Thơ.

Vết ken đẽo còn mới ở trong khu vực rừng thông thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông. Ảnh: Hưng Thơ.

Báo Lao Động thông tin: Hàng loạt cây thông hàng chục năm tuổi thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông và huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), huyện Sen Thủy (tỉnh Quảng Bình) bị đầu độc, bức tử.

“Đối tượng xấu” – chữ dùng của cơ quan chức năng - đã “giết cây” bằng cách nhiều lần ken đẽo (dùng máy khoan 1 lỗ nhỏ ở dưới gốc cây, rồi đổ hóa chất vào), bôi hóa chất vào thân cây – nơi đang được rạch để khai thác nhựa thông... khiến cho cây chết dần chết mòn nhằm “chiếm” đất canh tác.

Việc bức tử, đầu độc để “giết” các cây thông như vừa kể, ở Quảng Trị không phải là địa phương đầu tiên. Mà điều này đã và đang diễn ra ở nhiều tỉnh Tây Nguyên, nơi thông được trồng thành rừng với diện tích lớn.

Đây là nguyên nhân dẫn đến việc dọc hai bên QL14B nối Gia Lai và Đắk Lắk cách đây 20 năm là những rừng thông ngút ngàn, song đến thời điểm này chỉ còn lưa thưa vài chục cây, có nơi chỉ vài cây kiểu như “di tích lịch sử”.

Hay ở Lâm Đồng - nơi có diện tích rừng lớn hàng đầu cả nước với cây thông là loài đặc hữu - cũng là những cách “giết” cây tương tự. Thoạt tiên là vài cây thông lẻ, nhưng sau 10 năm, gần 100 ngàn ha rừng, chủ yếu là rừng thông đã biến mất - theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Rừng mất, độ che phủ giảm (như ở Lâm Đồng từ 61,2% năm 2016 đến nay còn khoảng 54%) không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, khí hậu... mà còn là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mưa lũ bất thường, gây hậu quả khủng khiếp mà sạt lở ở đèo Bảo Lộc hồi tháng trước làm 4 người chết là ví dụ mới nhất.

Theo luật hiện hành thì hành vi đầu độc “giết” các rừng thông bị xếp vào hành vi phá rừng. Khung hình phạt cho hành vi này rộng, tùy mức độ vi phạm và loại rừng bị phá.

Người vi phạm bị phạt từ 300 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy diện tích, lượng cây bị phá. Và nếu phá rừng vượt ngưỡng 5.000m2 (rừng sản xuất), 3.000m2(rừng phòng hộ), 1.000m2 (rừng đặc dụng) thì bị xử lý hình sự với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Tuy vậy trong thực tế, phát hiện và xử lý, phạt tù những “đối tượng xấu” này không hề dễ bởi hoạt động phá rừng kéo dài, ban đầu chỉ vài cây ở quy mô nhỏ, rời rạc. Chỉ đến khi thống kê lại sau nhiều năm mới hiện ra những con số lớn choáng váng nhưng lúc này lại không biết tìm ai để quy trách nhiệm.

Nói vậy không có nghĩa là cơ quan chức năng hoàn toàn bất lực. Và đến lúc phải xem việc “giết cây” như đầu độc, bức tử các rừng thông là tội ác để có giải pháp nghiêm trị hữu hiệu hơn, ví như thu hẹp khung hình phạt.

Cũng đến lúc cần bổ sung các “giải pháp mềm” như việc nhân rộng lễ hội truyền thống “Tạ ơn rừng” để tuyên truyền việc bảo vệ rừng ở huyện Tây Giang của tỉnh Quảng Nam.

Hay “Quy y cây” để cây trở nên linh thiêng và không ai muốn hủy diệt cây đã được quy y như cách mà nhà sư Phrakru Pitak Nanthakthun, trụ trì chùa Arunyawas ở đông bắc Thái Lan, đã tiến hành trong gần 30 năm qua để bảo vệ rừng rất hiệu quả ở đất nước bạn.

Có thể bạn quan tâm