Thời sự - Bình luận

Phải điều trị bằng cả tấm lòng và niềm đam mê để cứu bệnh nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Phải điều trị bằng cả tấm lòng và niềm đam mê để cứu bệnh nhân" là câu nói của bác sĩ CKII Võ Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 3 TP.HCM.

 

Đoàn thầy thuốc Tuyên Quang sẽ hỗ trợ công tác xét nghiệm, điều trị COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: P.Q
Đoàn thầy thuốc Tuyên Quang sẽ hỗ trợ công tác xét nghiệm, điều trị COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: P.Q


Trong những ngày này, các bác sĩ ở tất cả các tuyến, cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM đều làm việc vượt quá sức của mình, ngày này qua ngày khác, gần như không có chút thời giờ để ngơi nghỉ.

Không hiểu các thầy thuốc của chúng ta lấy sức lực từ đâu ra, hay đó là nguồn năng lượng tình thương.

Nếu như nói về sự kỷ luật, thì các y - bác sĩ của chúng ta chấp hành kỷ luật cao nhất trong trận chiến chống lại đại dịch COVID-19. Nếu nói về sự hy sinh, các thầy thuốc của chúng ta là những con người điển hình cho sự hy sinh vào lúc này.

Không chỉ y bác sĩ ở TPHCM, nhiều người ở khắp mọi miền đất nước, chỉ cần một lời hiệu triệu là họ lên đường, không chút "nhăn mày nhíu mặt". Là bác sĩ, họ biết đến vùng dịch là nguy hiểm. Nhưng với lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc, họ phải có mặt, bởi vì một điều rất giản dị, ở đó bệnh nhân đang cần họ. Đến hôm nay TP. Hồ Chí Minh đã nhận hơn 6 ngàn nhân lực y tế hỗ trợ công tác chống dịch cho toàn địa bàn.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - như ông đã chia sẻ - là rất háo hức mong chờ được đi họp Quốc hội khóa XV, nhưng tình thế chống dịch cấp bách, nên xin Quốc hội được phép vắng họp. Sự lựa chọn của trí thức thầy thuốc, ở đâu dân cũng cần ông, nhưng phải có mặt nơi cần hơn.

Nơi cần hơn đó chính là Bệnh viện hồi sức 1.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Đến nay, đã có 17 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và đủ điều kiện xuất viện.

Có những thầy thuốc chúng ta được biết đến, nhưng quá ít ỏi so với hàng ngàn người đang làm việc tận tụy, thầm lặng trong các bệnh viện, cơ sở y tế, giành giật từng mạng sống của bệnh nhân từ tay tử thần. Không thể nói hết được những nhọc nhằn, khổ sở và hiểm nguy, cho nên khó có thể hiểu hết được với sự hy sinh của thầy thuốc. Họ là những người đáng kính trọng, chỉ còn biết nói như thế thôi.

Xã hội biết ơn, tri ân thầy thuốc, đặc biệt là trong đại dịch kinh hoàng này. Nhưng hãy bày tỏ lòng biết ơn bằng cách cùng với họ chấp hành kỷ luật, đó là "ai ở đâu ở yên đó", hãy hy sinh những nhu cầu sinh hoạt ngày thường để chấp hành quy định thời dịch.

Giảm gánh nặng cho thầy thuốc bằng cách mỗi người hãy giữ an toàn cho bản thân.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/phai-dieu-tri-bang-ca-tam-long-va-niem-dam-me-de-cuu-benh-nhan-935505.ldo
 

Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm